Phiên đàm phán vòng 2 Hội đồng Tiền lương quốc gia chiều 11-7
Trao đổi với phóng viên trước phiên đàm án vòng 2 Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra vào chiều 11-7 tại Hà Nội, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện cho sử dụng lao động, cho biết đã tham khảo 3 phương án của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam với mức tăng từ 6,5-8,1% nhưng phía VCCI tiếp tục bảo lưu quan điểm như trong phiên họp cách đây 1 tháng, đó là đồng ý đề xuất tăng không quá 2%.
Lý giải việc này, ông Phòng cho biết để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp (DN) cải thiện năng suất, chất lượng lao động, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững đồng thời ứng phó với các cú sốc bên ngoài, xử lý rủi ro, suy giảm tăng trưởng có tính chu kỳ, các thành viên tổ chức đại diện người sử dụng lao động và VCCI kiến nghị giãn lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng 2020 hoặc điều chỉnh ở mức 1-2% để có cải thiện tiền lương của người lao động theo tỉ lệ đóng góp từ nguồn lao động.
Theo ông Phòng, hiện có tới 72,5% DN đã trả lương tối thiểu tăng trên 6%. Qua thảo luận và nghiên cứu tình hình, phía VCCI thấy rằng lương tối thiểu cần phải tăng để động viên tinh thần làm việc cho người lao động. Song việc tăng lương tối thiểu như đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam là vượt quá năng lực chi trả của DN, ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh và các khoản chi phí khác. "Có thể tùy theo tình hình phiên đàm phán vòng 2, có thể VCCI sẽ có những điều chỉnh hợp lý nhưng con số là bao nhiêu thì chưa thể "bật mí"" - ông Phòng nói.
Đại diện VCCI cũng cho rằng vấn đề mấu chốt cần được làm rõ là khái niệm mức sống tối thiểu. Hiện nay, cách hiểu giữa các bên còn khác nhau dẫn đến việc đề xuất các mức lương còn vênh nhau.
Trước khi diễn ra phiên đàm phán này, ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết mức lương tối thiểu vùng năm 2020 nên hài hòa giữa các bên chủ sử dụng lao động và người lao động, mức tăng khoảng 5 - 5,5% là hợp lý. Người lao động mong muốn hưởng mức lương cao hơn nhưng người sử dụng lao động có cái khó bởi vì chưa biết được Quốc hội có đồng ý cho tăng số giờ làm thêm không, trong khi năng suất lao động không tăng, sức cạnh tranh lớn.
Do đó, theo ông Phạm Minh Huân, cân nhắc mức tăng lương vừa bảo đảm lương thực tế có cải thiện, vừa bảo đảm sức khỏe của DN, tương ứng với mức tăng năng suất lao động và bảo đảm yêu cầu của nghị quyết Trung ương.
Bình luận (0)