Với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", hôm nay (10-12), Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X sẽ chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). 2.300 đại biểu, gồm 280 đại biểu khách mời và 2.020 đại biểu chính thức là những điển hình tiên tiến xuất sắc trên các lĩnh vực, Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng Vũ trang, Chiến sĩ thi đua toàn quốc… sẽ tham dự.
Cống hiến hết mình
Sinh ra và lớn lên tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, anh thanh niên Nguyễn Trọng Thái (SN 1974) đã sớm có quyết tâm tìm một công việc ổn định để thoát ly khỏi cảnh khó khăn. Anh đã chọn đất mỏ Quảng Ninh để thực hiện mong ước của mình. Năm 1992, anh đi học tại Trường Công nhân (CN) mỏ Hữu nghị Việt Xô. Ra trường năm 1994, anh được nhận về công tác tại Công trường Kiến thiết cơ bản 1, Mỏ than Hà Lầm (nay là Công ty CP Than Hà Lầm), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Hơn 26 năm làm việc, anh Thái là tấm gương điển hình của một thợ lò đầy nhiệt huyết, luôn hết mình với công việc, với bảng vàng thành tích đáng nể. Là Tổ trưởng Tổ đào lò với bậc thợ 6/6, anh Thái đã trực tiếp cùng các CN trong tổ tích cực nghiên cứu, sáng tạo, đúc rút ra những kinh nghiệm thực tiễn chỉ đạo, thực hiện đạt hiệu quả, năng suất cao. Trong 10 năm (2009 - 2018), tổ của anh đã thi công đào 10.000 m lò trong lòng đất dưới độ sâu từ mức -50 đến -300 dưới mực nước biển, bảo đảm an toàn tại những dự án trọng điểm, khó khăn, mở ra nhiều điểm khai thác than áp dụng cơ giới hóa cho công ty để đạt sản lượng trên 2 triệu tấn than/năm.
Anh hùng Lao động Nguyễn Trọng Thái (bên phải) trò chuyện với phóng viên Báo Người Lao Động tại đáy lò giếng đứng phụ sâu -300 tại Công ty CP Than Hà Lầm Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Hằng năm, tổ của anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, năng suất dẫn đầu ngành than. Với vai trò tổ trưởng tổ sản xuất, kinh nghiệm thi công đào lò, năm 2015 tổ đào lò do anh Thái làm tổ trưởng được chọn là tổ tiên phong xuống đào lò ở độ sâu mức -300. Đây là mức sâu nhất trong các mỏ than hầm lò ở thời điểm đó. Với đường lò tiết diện lớn 22,5 m2, tổ đã đào được bình quân 100 m/tháng, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đây cũng là năng suất đạt kỷ lục của ngành than, được nhiều đơn vị đào lò trong ngành đến học tập kinh nghiệm.
Không chỉ xung phong đảm nhận những công việc khó, anh Thái luôn tích cực tham gia công tác cứu hộ, xử lý các tình huống khó khăn giúp các đơn vị bạn trong tập đoàn như: tham gia cứu hộ sự cố bục nước tại mỏ than Thành Công năm 2011. Đặc biệt, sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng ở Lâm Đồng năm 2014, anh Thái là kíp trưởng cùng các thành viên trong đoàn cứu hộ của TKV thực hiện đào 1 đường lò cứu hộ, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, tìm mọi phương án thần tốc cùng lực lượng công binh cứu 12 CN bị mắc kẹt đưa ra ngoài an toàn. Với thành tích này, anh Thái đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo, năm 2020, anh Nguyễn Trọng Thái được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Trong 26 năm công tác, anh Nguyễn Trọng Thái đã có 96 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, làm lợi cho đơn vị hơn 10 tỉ đồng. Bên cạnh trình độ chuyên môn giỏi, anh Thái luôn đi đầu giúp đỡ, kèm cặp để nâng cao tay nghề cho các thế hệ CN đi sau. Anh đã bồi dưỡng 22 thợ lò trong tổ đạt danh hiệu thợ giỏi cấp công ty, trong đó có 8 người đạt danh hiệu thợ giỏi xuất sắc cấp tập đoàn.
Tận tâm, trách nhiệm
Nữ doanh nhân Phạm Thị Huân (tức Ba Huân), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân (TP HCM), 62 tuổi đời nhưng có đến gần 50 năm duyên nợ, gắn bó với trứng gà, trứng vịt, từ khi mới chỉ là cô thiếu nữ với đôi quang gánh bán trứng ở chợ làng Vĩnh Thạnh Đông (tỉnh Long An), rồi gầy dựng, nuôi lớn thương hiệu Ba Huân. Bà Ba Huân được mệnh danh là "Nữ hoàng trứng Việt Nam", người đi tiên phong trong việc công nghiệp hóa ngành chăn nuôi gia cầm, tạo chuỗi an toàn từ trang trại đến bàn ăn đạt chuẩn công nghệ cao, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bà Phạm Thị Huân (ngồi bên phải) trong một dịp ký kết hợp tác chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn” Ảnh: HỒNG ĐÀO
Sinh ra trong gia đình có 8 anh chị em, khi đất nước còn chưa thống nhất, bà Huân đã sớm phải theo cha mẹ bươn chải với gánh hàng trứng từ khi còn tấm bé. 16 tuổi đã tạo cơ nghiệp là nghề trứng cha mẹ để lại, mở ra một thời kỳ huy hoàng nhưng cũng lắm gian truân của thương hiệu trứng Ba Huân. Vốn đi lên từ đồng quê nghèo, bà Huân biết việc cạnh tranh với thương lái không hề dễ dàng. Chính vì vậy, bà chủ động tìm đến những vùng đất nuôi vịt chạy đồng khi ấy để "mua tận gốc, bán tận ngọn" mới có cơ hội thành công. Vốn ít nhưng luôn sòng phẳng và nghĩ cho lợi ích của nông dân, nên bà được mọi người tin tưởng giao trứng để bà đem đi buôn bán ngược xuôi khắp nơi. Sau ngày đất nước thống nhất, bà Ba Huân trở thành nhân viên kinh doanh của Công ty Thực phẩm Nông sản Kiên Giang. Cũng từ đây, nhờ sự tận tâm, trách nhiệm trong công việc cũng như lợi thế về kinh nghiệm trong thu mua trứng, bà vừa nuôi được các em ăn học vừa dành dụm được những đồng vốn đầu tiên để gầy dựng nên doanh nghiệp trứng mang tên mình tại TP HCM năm 1985. Việc buôn bán của bà mỗi ngày một thuận lợi khi vựa trứng Ba Huân cung cấp đến 30% sản lượng của toàn TP. Năm 2001, Công ty TNHH Ba Huân ra đời với vốn điều lệ 8 tỉ đồng và đến năm 2016 trở thành công ty cổ phần đã đánh dấu một bước phát triển mới trong hành trình kinh doanh ngành trứng gia cầm của bà. Hiện nay, công ty có 12 đơn vị trực thuộc, 4 nhà máy, 2 trang trại chăn nuôi, 6 cửa hàng phân phối; sản phẩm công ty đã có mặt tại 3.000 siêu thị lớn nhỏ trên toàn quốc... trở thành thương hiệu quen thuộc của người tiêu dùng trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Doanh thu năm 2018 đạt 1.245 tỉ đồng, lợi nhuận 20,2 tỉ đồng. Hơn thập kỷ qua, công ty của bà đã đồng hành với nhiều chương trình thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa… với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 35 tỉ đồng.
Từ những đóng góp cho cộng đồng và kinh tế nước nhà, bà Ba Huân vinh dự là đại diện duy nhất của Việt Nam nhận giải thưởng "Nông dân điển hình" của tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2016 và là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất tại Việt Nam năm 2017 ở lĩnh vực kinh doanh do tạp chí Forbes bình chọn cùng nhiều danh hiệu cao quý khác mà Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo, năm 2020 bà Phạm Thị Huân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Đặt mục tiêu phấn đấu ngày càng cao hơn
Chiều 9-12, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp 210 đại biểu là Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và Chiến sĩ thi đua toàn quốc - những bông hoa tươi thắm trong phong trào thi đua yêu nước những năm qua.
Theo Chủ tịch QH, trong những năm qua, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Nước ta bên cạnh những thuận lợi là cơ bản cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dù vậy kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.
"Những thành tích đó có sự đóng góp lớn của các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020, trong đó có sự đóng góp quan trọng của các anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc có mặt ở đây - những tấm gương tiêu biểu, xuất sắc nhất trong phong trào thi đua" - Chủ tịch QH bày tỏ.
Chủ tịch QH cũng mong muốn những tập thể, cá nhân đã được tuyên dương, không chủ quan, thỏa mãn; tiếp tục cố gắng, không ngừng vươn lên, cống hiến nhiều hơn nữa, đạt những thành tích cao hơn nữa, xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người noi theo.
"Mỗi chúng ta hãy thi đua với chính mình, đặt mục tiêu phấn đấu ngày càng cao hơn; tìm ra các giải pháp độc đáo, tạo ra giá trị cho đơn vị mình, cho ngành mình, cho địa phương, cho đất nước mình phát triển nhanh và bền vững, để khát vọng Việt Nam trở thành nước phát triển và có thu nhập cao vào năm 2045 sẽ trở thành hiện thực" - Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Bình luận (0)