31 tuổi với 8 năm làm việc tại Công ty CP In Nhãn hàng An Lạc (Tổng Công ty Liksin) nhưng anh Lê Quốc Dũng, phụ trách quản lý hệ thống chất lượng và môi trường công ty, đã sở hữu 44 sáng kiến, làm lợi trên 1,4 tỉ đồng. Anh còn là “chủ nhân” nhiều giải thưởng và danh hiệu có uy tín khác, như Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi 3 năm liên tục (từ 2009 đến 2011), Công dân trẻ tiêu biểu TP năm 2010, Người thợ trẻ giỏi toàn quốc năm 2011, Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng... Bí quyết thành công của chàng cử nhân hóa này là cứ hết mình với công việc.
Khó khăn không nản lòng
Tốt nghiệp Khoa Hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM, anh Dũng làm việc một vài nơi để tích lũy kinh nghiệm. Năm 2007, trong một lần lên mạng nghiên cứu tài liệu, thấy Công ty CP In Nhãn hàng An Lạc tuyển nhân viên, anh quyết định nộp đơn đầu quân. Ở môi trường mới, được làm đúng công việc yêu thích và được ban giám đốc tạo điều kiện, anh liên tục gặt hái thành công.
Trong hàng chục sáng kiến do anh Dũng thực hiện, nổi bật hơn cả là “Cải tiến bộ phận chặn giấy máy xén”. Là cán bộ phụ trách chất lượng, chứng kiến nhãn hàng bị nhăn do máy xén hoạt động không ổn định, anh rất trăn trở. “Số nhãn phải bỏ luôn chiếm từ 1% đến 2% số nhãn in. Do số nhãn hàng công ty sản xuất lên đến cả chục triệu mỗi năm nên số nhãn hao hụt cũng rất lớn” - anh Dũng cho biết. Với nền kiến thức vững vàng, anh không khó phát hiện khiếm khuyết của bộ phận chặn giấy máy xén và nhanh chóng khắc phục chỉ với vài cải tiến nhỏ. Sáng kiến này đã tiết kiệm cho công ty 115 triệu đồng/năm.
Ngoài sáng kiến trên, anh Dũng còn là tác giả của nhiều sáng kiến có giá trị khác được đánh giá cao, điển hình như: xử lý mùi nhãn thực phẩm, khắc phục lỗi bong rộp nhãn hàng. Anh Dũng nói kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời là năm 2011, anh vinh dự được ban giám đốc chọn làm người đánh trống khai mạc nhân ngày thành lập tổng công ty (chọn một cá nhân tiêu biểu nhất). “Tôi tự hào là người thợ của Liksin và hứa phải nỗ lực nhiều hơn” - anh bộc bạch.
Thăng tiến nhanh trong nghề nhưng điều đáng quý là anh không quên trách nhiệm với thợ trẻ. Anh chủ động tham gia biên soạn quy trình huấn luyện và đào tạo nghề cho 150 công nhân (CN) về kiểm soát lỗi in, kiểm soát chất lượng. Với sự kèm cặp tận tình của anh, 4 CN đã đoạt giải nhì hội thi tay nghề kỹ năng mềm do tổng công ty tổ chức. “Thợ trẻ học được ở anh Dũng tinh thần tận tụy, không lùi bước trước khó khăn. Chỉ bảo tận tình cho thợ trẻ, anh ấy là chỗ dựa tinh thần của chúng tôi” - anh Ngô Văn Hải, một CN được anh Dũng huấn luyện, nhận xét.
Cái khó ló cái khôn
Một người thợ khác của Tổng Công ty Liksin cũng có thành tích nổi trội không kém là anh Dương Minh Cường, Quản đốc nhà máy ABS - Bình Dương, Công ty CP Tico. Tốt nghiệp Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa TP HCM, anh Cường vào làm tại Công ty CP Tico. Đây cũng là nơi anh ấp ủ và thực hiện hàng loạt sáng kiến có giá trị, khả năng ứng dụng cao.
Năm 1998, khi công ty mở thêm một nhà máy ở Bình Dương, anh Cường là một trong những người xung phong lên đây công tác. Công việc ở nhà máy sản xuất chất hoạt động bề mặt đầu tiên ở Việt Nam đã đem lại cho anh nhiều trải nghiệm thú vị xen lẫn thách thức. Với tinh thần cầu tiến, anh không khó tiếp cận môi trường làm việc mới và từng bước khẳng định năng lực bản thân. Anh tâm sự hơn 20 năm làm việc ở đây, anh luôn coi nhà máy như mái ấm thứ hai của mình nên dành nhiều tâm huyết cho nó. Tình cảm ấy được anh thể hiện bằng những công trình, sáng kiến cụ thể, thiết thực, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của nhà máy. Mỗi năm, anh đều đặn cho “ra lò” 1-2 sáng kiến. Là công ty sản xuất hóa chất nên vấn đề xử lý chất thải vô cùng phức tạp và tốn kém. Trước thách thức này, năm 2012, anh Cường cùng các đồng nghiệp tại nhà máy thực hiện công trình “Tận dụng nhiệt thừa của nhà máy để cô đặc lượng nước thải phát sinh từ công đoạn xử lý khí thải trong dây chuyền sản xuất”. Với những tính toán khoa học, giải pháp do anh và cộng sự thực hiện không chỉ giúp nhà máy tiết kiệm chi phí xử lý nước thải mà còn tận dụng được muối sunfat natri để bán lại cho các doanh nghiệp sản xuất chất tẩy rửa.
Kế hoạch của nhà máy là 5 năm mở thêm một dây chuyền mới, do vậy anh Cường được giao trọng trách tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực. “Làm việc ở môi trường đòi hỏi ý thức tuân thủ kỷ luật lao động cao nên CN phải được huấn luyện bài bản. Là người đi trước, tôi có trách nhiệm hướng dẫn anh em tiếp cận công nghệ mới để hòa nhập một cách nhanh nhất” - anh Cường chia sẻ.
“Năm nay, Tổng Công ty Liksin vinh dự có 2 cá nhân đạt giải Tôn Đức Thắng. Dũng và Cường là những tấm gương tiêu biểu về lòng yêu nghề, tận tâm cống hiến và sống có trách nhiệm với thợ trẻ. Họ là niềm tự hào của tập thể lao động” - ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Liksin, khẳng định.
Bình luận (0)