Trong số 12 cá nhân đạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2014, anh Nguyễn Đoàn Vi, nhân viên cơ điện Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (KCN Tây Bắc Củ Chi, TP HCM), được xem là trẻ nhất - 30 tuổi. Trẻ về tuổi đời lẫn tuổi nghề song năng lực sáng tạo của anh rất đáng nể, thuyết phục được nhiều thành viên trong Ban Tổ chức Giải thưởng Tôn Đức Thắng.
Dám nghĩ dám làm
Dù đã hẹn trước song tôi cũng phải chờ ở phòng họp khá lâu mới gặp được Nguyễn Đoàn Vi. Gặp tôi, anh cười phân bua: “Chị thông cảm nhé, vì thiết bị ở xưởng gặp trục trặc nên tôi phải nán lại sửa gấp để sản xuất không bị gián đoạn”. Vi là mẫu người như vậy, luôn tham công tiếc việc.
Tốt nghiệp trung cấp vận hành máy tàu biển Trường Trung học Hàng hải TP HCM, nhận thấy tay nghề chưa vững, Vi lặn lội đến Đồng Nai học thêm nghề tiện, phay, bào. Vào Unilever Việt Nam làm việc, anh có cơ hội áp dụng những kiến thức lẫn kỹ năng nghề đã được tích lũy.
Tám năm gắn bó với Unilever Việt Nam, niềm đam mê nghề nghiệp và chí tiến thủ đã giúp Vi cho ra đời hàng loạt sáng kiến. Đơn cử là sáng kiến cải tiến hệ thống dây chuyền đóng chai tự động. Trước đây, việc đóng chai sản phẩm Sunlight Diswash được thực hiện thủ công nên năng suất rất thấp. Khi công ty lắp đặt dây chuyền đóng chai bán tự động, năng suất vẫn không được cải thiện. Trước thực tế ấy, Vi mạnh dạn đề xuất làm lại khuôn nhằm tự động hóa dây chuyền đóng chai. Sáng kiến này của anh giúp năng suất tăng gấp đôi, tiết kiệm cho doanh nghiệp (DN) gần nửa tỉ đồng/năm.
Nhiều đồng nghiệp gọi Vi là con người của công việc. Khi thiết bị trục trặc, anh luôn cố công tìm hiểu nguyên nhân và cặm cụi sửa chữa cho bằng được, bất kể giờ giấc. Phát hiện năng suất máy dán thùng quá thấp, anh đã mày mò chế tạo, gia công vài chi tiết, nhờ đó năng suất tăng từ 18 thùng lên 25 thùng/phút. Riêng sáng kiến này đã giúp DN tiết kiệm được 60 triệu đồng/tháng.
Những lần công ty nhập thiết bị mới, Vi chịu khó quan sát, tìm hiểu kỹ nguyên lý vận hành. Khi chưa thông suốt, anh không ngần ngại học hỏi đồng nghiệp hoặc lên mạng để tham khảo tài liệu. “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học” - Vi tiết lộ bí quyết thành công.
Giỏi nghề song Vi vẫn đầy tinh thần trách nhiệm với cánh thợ trẻ. Nhờ anh tận tâm truyền đạt kinh nghiệm mà đã có 11 công nhân (CN) đạt danh hiệu thợ giỏi. “Lòng yêu nghề và chí tiến thủ đã hình thành nên nét tính cách ở Vi, giúp anh khẳng định chỗ đứng vững chắc tại DN” - ông Lê Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, nhận xét. Còn với Vi, chính điều kiện làm việc tại DN đã tạo cơ hội cho anh thỏa mãn đam mê sáng tạo.
Không đầu hàng khó khăn
Cùng trang lứa với Nguyễn Đoàn Vi, anh Nguyễn Vũ Nhân, Quản đốc chuyền băng tải Công ty CP Cao su Bến Thành (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn), cũng khẳng định được tên tuổi bằng những sáng kiến có giá trị thực tiễn cao.
Có lần Nhân đi công trường, khách hàng cắc cớ hỏi anh: “Đây là thiết bị băng tải chúng tôi nhập từ châu Âu, bên anh có sản xuất được không?”. Quan sát một hồi, anh mạnh dạn trả lời: “Điều này hoàn toàn nằm trong khả năng của chúng tôi”.
Nhân cho biết nhìn bề ngoài đơn giản nhưng khi mang về công ty kiểm tra, anh mới thấy cơ chế hoạt động của băng tải rất phức tạp. “Không chỉ đơn thuần như các loại băng tải khác, sản phẩm này đòi hỏi kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm ở người thợ. Thế nhưng, tôi xác định đã hứa với khách hàng thì bằng mọi giá phải làm cho kỳ được” - anh quả quyết.
Mày mò nghiên cứu, thử nghiệm hơn một tháng, cuối cùng, Nhân và đồng nghiệp đã chế tạo thành công băng tải tự động. So với thiết bị nhập ngoại, thành phần vải chịu lực và sự phân bố các lớp cao su băng tải do anh thiết kế có tính ưu việt hơn. Cuối cùng, khách hàng đã ký kết sử dụng lâu dài sản phẩm của công ty.
Tám năm làm việc tại Công ty CP Cao su Bến Thành, mỗi năm, chàng kỹ sư công nghệ hóa này và đồng nghiệp còn cho ra lò 3-5 sáng kiến, cải tiến, làm lợi cho DN hàng trăm triệu đồng. Anh bộc bạch: “Sáng kiến chỉ có giá trị khi giúp quy trình sản xuất được hoàn thiện, tiết kiệm chi phí cho DN, đặc biệt là tiết kiệm sức lao động của anh em CN”.
Băng tải là sản phẩm chủ lực của Công ty CP Cao su Bến Thành. Do vậy, để bảo đảm chất lượng sản phẩm, việc huấn luyện tay nghề cho CN là ưu tiên hàng đầu. Trong quá trình sản xuất, mỗi CN phải kiểm tra chất lượng để giảm tối đa sản phẩm khuyết tật, hư hỏng.
Từ thực tế ấy, cùng với các tổ trưởng sản xuất, Nhân đã dày công huấn luyện, kèm cặp tay nghề cho CN. CN mới hay cũ đều được anh tận tình truyền đạt kiến thức lẫn kỹ năng thực hành. Hằng tháng, anh kiểm tra, đánh giá sự tiến bộ của từng người, từ đó uốn nắn cho phù hợp. Sự nhiệt huyết của Nhân đã tác động tích cực đến sản xuất, giúp DN sở hữu lực lượng lao động có tay nghề cao.
“Chí tiến thủ, không lùi bước trước khó khăn của các kỹ sư, công nhân đạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng đã làm nên hình ảnh đẹp của đội ngũ công nhân TP HCM. Điểm sáng khác ở họ còn là tinh thần trách nhiệm với thợ trẻ”.
Ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM
Bình luận (0)