“Ban giám đốc từng đau đầu khi khách hàng đặt số lượng lớn chả giò rau nhưng không đủ da bột để làm. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tăng năng suất máy. Công ty mời cả chuyên gia Đài Loan, nơi sản xuất máy này, về tham khảo ý kiến nhưng họ bảo do nhiệt độ, độ ẩm ở Việt Nam khác xứ họ nên không thể giải quyết. Không ngờ cô Huyền lại làm được...”. Ông Bùi Việt Dũng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre (Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn), không giấu vẻ tự hào khi giới thiệu về chị Nguyễn Thị Huyền, một trong những người được chọn trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2014.
Yêu nghề mãnh liệt
Để tăng năng suất máy làm bột, nhiều người thử giảm nhiệt độ của bột xuống, tăng nhiệt độ của máy lên. Tuy nhiên, bánh sản xuất ra thường bị cháy sém và rèm bánh rất dày, trong khi khách hàng yêu cầu phải mỏng. Sau khi tìm hiểu, chị Huyền mạnh dạn đề xuất làm mát bột bằng nước đá. Cách làm của chị đã thành công, nâng công suất máy lên 43%, tiết kiệm cho công ty hơn 100 triệu đồng.
Trước đó, việc sản xuất bánh tráng màu từ rau củ quả cũng gặp khó khăn, năng suất thấp. Do làm thủ công, pha bột thành nhiều mẻ nên màu bánh không giống nhau, đến khi tráng bằng máy thì bánh bị dính vào băng tải. Băn khoăn trước vấn đề này, chị Huyền nghiên cứu ủ bột bằng cồn thực phẩm. Với cách làm của chị, bánh ra đều màu và đẹp, năng suất tăng gấp 5 lần.
Điều làm chúng tôi ngạc nhiên, khâm phục là “cây sáng kiến” ấy chẳng được học qua trường lớp chuyên môn nào về thực phẩm hay cơ khí. Chị Huyền nhớ lại: “Học hết phổ thông, gia đình khó khăn quá nên tôi vào Nam làm công nhân. Vì yêu thích công việc, tôi tự tìm tòi, học hỏi”.
Chị Huyền còn có nhiều cải tiến tăng năng suất, tăng tính thẩm mỹ của sản phẩm. Mong muốn của chị là được học thêm về ngành thực phẩm để có kiến thức, phục vụ tốt hơn cho công việc.
Không ngừng học hỏi
Một gương mặt nổi bật khác của Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay là anh Lương Quốc Huy - quản lý Chi nhánh 6 Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist, quận 1, TP HCM.
“Tốt nghiệp trung cấp tài chính kế toán ở Ninh Bình, tôi tiếp tục học trung cấp tin học rồi một mình vào miền Nam lập nghiệp. Tôi từng trải qua nhiều công việc như kỹ thuật viên, thủ kho, kế toán, kinh doanh... Trong công việc, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng tôi luôn cố gắng thích nghi và vượt qua” - anh tâm sự.
gày đi làm, đêm đi học, đến nay, anh Huy đã có bằng thạc sĩ kinh tế. Anh là tác giả và đồng tác giả của 9 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho doanh nghiệp hơn 40 tỉ đồng. Trong đó, anh tâm đắc nhất là sáng kiến “Kết nối thông tin và quản lý khách hàng bằng hệ thống mã vạch”.
Chi nhánh 6 của anh Huy trước đây liên doanh với Công ty THC Hải Phòng. Khi công ty mua lại cổ phần, họ rút luôn cả người quản lý và kỹ thuật. Lúc ấy, chi nhánh quản lý gần 100.000 khách hàng. Nhân viên rất vất vả trong việc quản lý, chăm sóc khách hàng. Trước tình hình này, anh Huy đã nghiên cứu, thiết kế phần mềm quản lý khách hàng bằng hệ thống mã vạch có độ chính xác tuyệt đối; tiết kiệm thời gian, nhân lực, tăng năng suất lao động gấp 4 lần. Từ mô hình Chi nhánh 6, công ty đã cho áp dụng công nghệ mã vạch vào quản lý toàn bộ hệ thống với hơn 2 triệu khách hàng tại 57 chi nhánh.
Bà Bùi Thị Kiều Nương, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist, nhận xét: “Ham học hỏi, đam mê sáng tạo, anh Lương Quốc Huy liên tục cho ra đời những sáng kiến cải tiến giúp công việc tốt hơn, nâng doanh thu và thu nhập cho người lao động, tiết kiệm chi phí. Không những thế, anh còn tích cực kèm cặp, hướng dẫn nhân viên trẻ, đào tạo nguồn nhân lực cho công ty. Nhiều nhân viên do anh hướng dẫn nay đã thành công, làm trưởng, phó nhiều phòng, ban của công ty và các chi nhánh”.
Bình luận (0)