“Mỗi khi nhà máy có sự cố, dù 1 hoặc 2 giờ sáng, chúng tôi vẫn phải có mặt để xử lý. Nhiều lúc, tôi chỉ ước được ngủ tròn giấc, không phải nhận bất cứ cuộc gọi nào về đêm bởi điều đó chứng tỏ nhà máy hoạt động ổn định” - bộc bạch chân tình của anh Nguyễn Văn Vị, Tổ trưởng Tổ Bảo dưỡng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (BSR, tỉnh Quảng Ngãi), đã khiến nhiều đại biểu dự lễ tuyên dương lao động tiêu biểu do Công đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức mới đây xúc động. Anh Vị là 1 trong số 50 CNVC-LĐ tiêu biểu của ngành dầu khí năm 2016 và là “cây sáng kiến” tại BSR.
Lớn lên cùng nhà máy
Anh Vị vào nhà máy làm việc đã 13 năm, từ khi nơi đây còn trong giai đoạn thiết kế, chạy thử, vận hành và trải qua 2 lần bảo dưỡng vào năm 2011, 2014. Có thể nói anh đã trưởng thành cùng với sự ra đời của BSR.
Yêu nghề và không ngừng sáng tạo nên anh Vị liên tục cho ra đời hàng loạt sáng kiến có giá trị, góp phần vào sự phát triển của BSR. Trong đó, tiêu biểu là sáng kiến “Nâng cao độ tin cậy cho hệ thống cắt liên động (intertripping) giữa các cấp điện áp cho BSR”. Anh Vị cho biết Nhà máy Lọc dầu Dung Quất không nhận điện bên ngoài mà có nhà máy điện tự cung tự cấp. Mỗi khi bộ phận này trục trặc thì toàn bộ hoạt động của nhà máy sẽ bị đình trệ. Hệ thống intertripping mất ổn định nhiều lần và chính hãng sản xuất cũng đau đầu tìm mọi giải pháp để khắc phục nhưng xử lý không thành công. Có vài lần, nhà máy bị mất điện và tổn thất gần 1 triệu USD, là người phụ trách nên anh rất trăn trở. “Nhiều đêm thức trắng để phân tích, tìm hiểu nguyên nhân xảy ra sự cố, tôi cùng đồng nghiệp mạnh dạn đề xuất lãnh đạo mua sắm và lắp đặt thêm thiết bị phù hợp nhằm hạn chế những thiệt hại do sản xuất bị gián đoạn khi cúp điện. Với những tính toán hợp lý của nhóm, nhà máy vận hành rất trơn tru, từ năm 2014 đến nay không hề xảy ra sự cố nào. Công trình này đã được Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam trao giải thưởng” - anh Vị kể.
Anh Lê Quốc Bảo (Tổ trưởng - chuyên gia thiết bị phân tích fire and gas Nhà máy Đạm Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng là một tấm gương về lòng đam mê. Trong quá trình công tác tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ, anh đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó phải kể đến sáng kiến cải tiến hệ thống Mass Spectrometer (hệ thống phổ kế đo đạc tỉ lệ khối lượng trên điện tích của ion). Ngoài việc làm lợi về tài chính thì sáng kiến trên còn hoàn thiện kỹ năng làm việc cho đội ngũ kỹ thuật viên tại nhà máy. Được xem là “con cưng” của doanh nghiệp song điều đáng quý ở Bảo là anh sống rất giản dị, hòa đồng, sẵn lòng truyền đạt kinh nghiệm cho đồng nghiệp. Anh hay mày mò cải tiến thiết bị, vật tư hỏng, kiểm soát vật tư tiêu hao chặt chẽ để tiết giảm chi phí trong quá trình bảo trì, bảo dưỡng; thường xuyên trao đổi, cập nhật kiến thức trong quá trình đào tạo nội bộ để nâng cao kỹ năng cho kỹ thuật viên. “Mục tiêu cao nhất của tôi là bảo đảm việc vận hành Nhà máy Đạm Phú Mỹ luôn an toàn” - anh bày tỏ.
Giảm cực nhọc cho công nhân
Trong ngành cao su, anh Vương Đình Điệt, Giám đốc Nông trường Cao su An Bình (thuộc Công ty CP Cap su Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), được xem là cỗ máy sáng kiến. Xuất phát điểm là kế toán viên nhưng với lòng say mê công việc, anh đã cho ra đời nhiều sáng kiến, giúp giải phóng sức lao động cho công nhân, làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỉ đồng mỗi năm. “Giúp anh em công nhân giảm bớt cực nhọc là mong mỏi của bản thân tôi khi bắt tay thực hiện các sáng kiến” - anh Việt bộc bạch.
Với suy nghĩ ấy, anh luôn tìm tòi, học hỏi để cải tiến máy móc. Gần đây nhất là sáng kiến “Áp dụng cơ giới trong công tác thổi lá trên vườn cây kinh doanh” góp phần tiết giảm chi phí khoảng 1 tỉ đồng/năm cho công ty. Trước đây, việc thổi lá được làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công nên rất chậm và tốn công sức nhưng với chiếc máy thổi lá do anh Điệt chế tạo, mỗi ngày có thể thổi được 60 ha cao su (chi phí nhiên liệu 1,5 lít dầu/ha, tiền công trả cho một người lái máy). Anh Điệt cho biết đã ấp ủ và thực hiện chiếc máy này trong vòng 40 ngày. Cấu tạo của nó dựa trên sức máy kéo sẵn có của nông trường, hai chiếc vòi hai bên được lắp ráp thêm, có thể linh động điều chỉnh độ xa gần, lưu lượng gió khi thổi lá, rất tiết kiệm thời gian.
Ông Phạm Văn Luyện, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Đồng Phú, nhận xét: “Những ý tưởng của anh Điệt tiết kiệm cho công ty hàng tỉ đồng mỗi năm, đồng thời giải quyết được tình hình khó khăn khi thiếu lao động và giải phóng sức lao động cho hàng trăm công nhân. Chúng tôi luôn trân trọng và đánh giá cao những lao động có đam mê sáng tạo như vậy”.
“Đất nước hội nhập sâu rộng đòi hỏi mỗi CNVC-LĐ phải phấn đấu vươn lên, xứng đáng là giai cấp tiêu biểu cho trí tuệ và bản lĩnh dân tộc Việt Nam. Thầm lặng dấn thân và sáng tạo không ngừng, họ đã thể hiện bản lĩnh vững vàng của người thợ”.
Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam
Bình luận (0)