Ở lĩnh vực hóa học của Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay, người duy nhất được vinh danh là anh Nguyễn Đình Thắng, phó ca sản xuất Công ty CP Tico (quận Tân Phú, TP HCM). Với niềm đam mê sáng tạo, hơn 10 năm gắn bó với doanh nghiệp (DN), anh đã đóng góp hàng loạt sáng kiến có tính ứng dụng cao.
Chuyên gia "chẩn bệnh" máy móc
Tốt nghiệp ngành hóa dầu Trường ĐH Mỏ - Địa chất (TP Hà Nội), anh Thắng về làm việc tại Công ty CP Tico ở vị trí nhân viên vận hành sản xuất. Với tâm niệm đã làm gì thì phải làm tới nơi tới chốn, anh tận dụng mọi cơ hội để học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp đi trước, không chỉ ở bộ phận mình mà còn ở tất cả các khâu sản xuất trong nhà máy. Anh không nề hà bất cứ việc gì, kể cả dọn vệ sinh, để việc vận hành nhà máy bảo đảm hiệu quả và an toàn.
Anh Nguyễn Đình Thắng điều hành hoạt động ca sản xuất tại nhà máy
Chuyên môn vững vàng và tinh thần cầu thị đã giúp anh Thắng sớm phát hiện khiếm khuyết của máy móc, thiết bị, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục để nâng cao hiệu năng hoạt động. Nhận thấy việc sử dụng 4 quạt nén với motor có công suất 160 KW tại các chuyền sản xuất tiêu hao quá nhiều điện năng, anh đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng "Sử dụng biến tần để điều chỉnh tốc độ động cơ phù hợp với quá trình sản xuất và giảm lượng điện tiêu thụ" với ban giám đốc.
Sáng kiến này không chỉ giúp công nhân (CN) thuận lợi hơn trong việc điều chỉnh công suất quạt nén thông qua hệ thống điều khiển tự động mà còn giúp công ty tiết kiệm được 17% lượng điện tiêu thụ cho mỗi giờ vận hành, giá trị làm lợi hơn 1,2 tỉ đồng/năm.
Đánh giá cao năng lực sáng tạo của người kỹ sư trẻ, năm 2018, công ty đã bổ nhiệm anh Thắng lên vị trí phó ca sản xuất. Anh chịu trách nhiệm quản lý sản xuất tại 4 dây chuyền của nhà máy đặt ở tỉnh Bình Dương.
Giảm tác hại cho môi trường
Công ty CP Tico là DN chuyên sản xuất - kinh doanh nguyên liệu sử dụng cho ngành tẩy rửa nên trong quá trình sản xuất sẽ không tránh khỏi phát sinh chất thải nguy hại.
Thực tiễn sản xuất cho thấy lượng phế phẩm phát sinh chiếm khoảng 0,2% khối lượng sản phẩm. Để xử lý vấn đề này, anh Thắng đã đề xuất ý tưởng "Kiểm soát tái chế phế phẩm quá trình sản xuất axít sulfonic làm giảm chất thải nguy hại".
Với đề xuất khả thi này, 70% phế phẩm đã được tái chế mà không làm ảnh hưởng chất lượng sản phẩm, góp phần tiết kiệm chi phí xử lý hàng chục tấn chất thải và giảm thiểu tác hại cho môi trường. Sáng kiến này làm lợi cho DN hơn 1,9 tỉ đồng/năm.
"Những năm qua, việc xử lý chất thải đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn môi trường luôn được công ty đặt lên hàng đầu. Vì vậy, sáng kiến của tôi vừa góp phần thực hiện mục tiêu chung của DN vừa giảm tác hại cho môi trường. Đó là điều tôi tâm đắc nhất" - anh Thắng bày tỏ.
Không chỉ đam mê sáng tạo, anh Thắng còn được ban giám đốc và đồng nghiệp đánh giá cao ở tính nhẫn nại, luôn hết mình vì công ty. Chẳng hạn, sau lần công ty bị phong tỏa gần 1 tháng vì có ca mắc Covid-19, anh và một số đồng nghiệp trở lại nhà máy sớm nhất để chuẩn bị cho việc tái khởi động sản xuất, dù mới trải qua thời gian điều trị sốt xuất huyết.
Bên cạnh đó, anh Thắng luôn sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm cho thợ trẻ tại Công ty CP Tico. Năm năm qua, anh đã đào tạo và huấn luyện định kỳ cho hơn 80 lượt CN trực tiếp sản xuất. Trong đó, 36 lượt CN đã đạt danh hiệu lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua các năm.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-8
"Anh Nguyễn Đình Thắng là người giỏi chuyên môn, khả năng bao quát công việc tốt. Những sáng kiến của anh không chỉ giúp quy trình sản xuất của DN thuận lợi mà còn đóng góp hiệu quả vào việc bảo vệ môi trường".
Ông HÀ QUỐC CƯỜNG, Trưởng Bộ phận Sản xuất Công ty CP Tico
Bình luận (0)