Hết thời gian thử việc 2 tháng ở vị trí nhân viên kho, cô cử nhân chưa kịp nhận bằng tốt nghiệp đại học Lê Thị Kim Loan đã cả gan yêu cầu giám sát kho Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (huyện Củ Chi, TP HCM) bố trí mình làm trưởng nhóm. Trả lời câu hỏi "dựa vào đâu để đòi hỏi vị trí đó?", Loan đã chỉ ra hàng loạt bất hợp lý trong hoạt động vận chuyển, lưu trữ hàng hóa tại kho, kèm theo đó là các giải pháp khắc phục. Điều đó đã thuyết phục được người quản lý giao vị trí trưởng nhóm cho cô nhân viên trẻ. Đó là câu chuyện xảy ra cách đây 14 năm và cô nhân viên ấy bây giờ đã là Trưởng Phòng Kế hoạch sản xuất và Quản lý kho vận nhà máy Unilever.
Tiếp sức doanh nghiệp
Chị Loan cho biết thời điểm mới vào công ty, mọi thứ với chị đều mới mẻ. Để thực hiện nhiệm vụ được giao là tối ưu hóa mặt bằng kho sản phẩm dầu gội, chị Loan đã bỏ rất nhiều thời gian để tìm hiểu. Nhờ chú tâm học hỏi, chỉ sau một thời gian ngắn, mọi ngóc ngách của nhà xưởng cũng như quy trình vận chuyển, lưu trữ, xếp dỡ hàng hóa đều được chị nắm bắt.
Cùng với sự nhạy bén, chị Loan cũng nhìn ra được những vấn đề tồn tại cần được cải thiện, khắc phục. "Khi đề nghị quản lý cho mình làm trưởng nhóm, tôi chỉ mong muốn sớm hiện thực hóa các ý tưởng của mình cũng như điều phối công việc dễ dàng hơn. Rất may là sau khi nghe tôi trình bày, quản lý tin và giao việc ngay" - chị Loan giải thích.
Sau khởi đầu ấy, đáp lại sự tin tưởng của cấp trên, dù trải qua hơn chục vị trí làm việc khác nhau, chị Loan đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng thời còn đề đạt nhiều sáng kiến mang lại giá trị làm lợi tiền tỉ cho doanh nghiệp (DN).
Chị Lê Thị Kim Loan tận tình truyền đạt kinh nghiệm cho nhân viên
Chẳng hạn như sáng kiến "Cải tiến hệ thống kệ lưu trữ nguyên liệu tăng 25% sức chứa trên cùng diện tích sử dụng kho". Để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng hằng năm từ 3%-5%, nhu cầu nhận và lưu hàng ở hệ thống kho của công ty phải gấp 3 lần. Trong khi đó, do diện tích kho có hạn lại bị giảm đi khi DN lắp đặt thêm dây chuyền đóng gói, phải thuê kho bên ngoài.
Để khắc phục tình trạng này, chị Loan đã đề xuất giải pháp tăng sức chứa cho kho bằng cách tối ưu hóa mặt sàn kho; sắp xếp lại lối đi; tận dụng không gian để lắp thêm pallet nhưng vẫn đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn và vận hành lưu trữ của đơn vị. Sáng kiến này của chị đã giúp tăng sức chứa của kho hàng lên 25%. Việc chấm dứt tình trạng thuê kho bên ngoài đã giúp công ty tiết kiệm chi phí thuê và vận chuyển hàng hóa mỗi năm hơn 1,6 tỉ đồng.
Hết mình với đồng nghiệp
Với chị Loan, sáng kiến chỉ có giá trị khi tiếp sức DN vượt khó, từ đó ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm 2021 kéo theo nhu cầu sử dụng sản phẩm cũng thay đổi, nhất là các mặt hàng chăm sóc nhà cửa hay nước rửa tay. Thế nhưng, cái khó của công ty là việc điều phối lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thời điểm đó, lao động tại 4 nhà máy của công ty hoạt động độc lập với nhau nên xảy ra tình trạng nơi thừa nơi thiếu lao động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN.
Chị Loan đã đưa ra giải pháp "Cải tiến hệ thống báo cáo, áp dụng công nghệ trong phân tích, báo cáo dữ liệu về nhu cầu lao động". Sau khi sáng kiến của chị được triển khai, dữ liệu của 4 nhà máy được đồng bộ hóa, ngồi ở đâu người quản lý cũng thấy được hiệu suất của dây chuyền và công việc của người lao động, từ đó có thể điều phối lượng lao động dư thừa đến nơi thiếu một cách nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu sản xuất. Sáng kiến này đã làm lợi cho công ty hơn 1,2 tỉ đồng/năm.
Sau thành công này, thấy được lợi ích của việc kết nối dữ liệu, chị quyết tâm đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số tại bộ phận của mình với sáng kiến "chuyển hóa số ứng dụng công nghệ lập trình IOT trong việc kết nối, đọc quan hệ dữ liệu phát sinh trong quy trình nhận kế hoạch - triển khai sản xuất từ Unilever đến nhà cung cấp". Sáng kiến thành công ngoài mong đợi khi làm lợi cho DN hơn 1,7 tỉ đồng/năm và được nhân rộng tại 5 nhà máy (4 nhà máy ở Củ Chi và 1 nhà máy ở Bắc Ninh).
Chia sẻ bí quyết thành công, chị Loan cho rằng nếu gặp khúc mắc ở khâu nào thì phải tìm bằng được nguyên nhân để khắc phục. Nếu khúc mắc đó đến từ các bộ phận liên quan, chị sẵn lòng xin chuyển vị trí làm việc để học hỏi thêm. Việc kinh qua nhiều vị trí cũng một phần đến từ suy nghĩ thấu đáo này của chị. Cũng nhờ vậy mà chị nắm bắt, bao quát được công việc ở hầu hết các bộ phận ở nhà máy. Đó cũng là lý do khi lập ra bộ phận kế hoạch sản xuất và quản lý kho vận cho 4 nhà máy, chị được lãnh đạo công ty tin tưởng bổ nhiệm vào vị trí trưởng phòng.
Với tâm niệm người quản lý giỏi phải có đội ngũ nhân viên giỏi, chị Loan đặc biệt quan tâm công tác đào tạo. Từ sự dìu dắt của chị, nhiều nhân viên đạt danh hiệu lao động giỏi. "Chị Loan không chỉ giỏi chuyên môn mà còn dám nghĩ dám làm. Trong công việc, chị là người nghiêm khắc nhưng luôn quan tâm đến việc làm và đời sống của nhân viên. Đặc biệt, chị luôn biết cách khuyến khích nhân viên phát huy năng lực, lấy lợi ích tập thể làm trọng" - anh Trương Thanh Hải, nhân viên Phòng Kế hoạch sản xuất và Quản lý kho vận nhà máy, nhận xét.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-8
Kỳ tới: Sáng kiến từ những trăn trở
Bình luận (0)