Nhằm giảm chi phí sinh hoạt, cũng như thắt chặt chi tiêu, nhiều cặp vợ chồng công nhân đã chọn giải pháp gửi con về quê, nhiều bạn trẻ “góp gạo thổi cơm chung” để rồi hậu quả là muôn vàn bi kịch.
Điều kiện sống tạm bợ, thiếu thốn
Dạo quanh một số KCX-KCN trên địa bàn Hà Nội, không khó bắt gặp những căn phòng trọ nhỏ bé, xập xệ được các bạn công nhân (CN) lựa chọn làm nơi tá túc sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc. Theo nhiều CN, thì với đồng lương eo hẹp, mọi chi phí sinh hoạt đều tăng cao, những căn phòng trọ nhỏ, nhưng có giá vừa phải là mục tiêu lựa chọn hàng đầu của các bạn.
Trần Thị Thắm (quê huyện Hải Hậu – Nam Định) nữ CN Công ty Golsun (KCN Quang Minh) chia sẻ: “Với mức lương trung bình khoảng 4 triệu/ tháng, nếu muốn có chút dư giả bắt buộc chúng tôi phải lựa chọn những căn phòng trọ giá rẻ và phải cách xa KCN. Mà đã rẻ thì đồng nghĩa với nhỏ, với xấu và bất tiện. Không những vậy, một căn phòng trọ khoảng 10 m2, giá 600.000 – 700.000 đồng/tháng, chúng tôi còn phải ở ghép 3 đến 4 người để giảm chi phí”.
Sau một ngày làm việc các công nhân nữ chỉ biết thu mình trong phòng trọ
Tại KCN Bắc Thăng Long, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội, nơi thu hút số lượng lớn CN đến làm việc. Và đồng nghĩa với nhu cầu về nhà ở tăng cao. Nhằm giải quyết nhu cầu về chỗ ở của CN, TP đã xây dựng khu nhà ở cho công nhân. Nhưng, với hơn 7 vạn lao động tại KCN Bắc Thăng Long, cùng với những quy định khắt khe khiến rất nhiều CN chê nhà lưu trú mà tìm đến các dãy nhà trọ quanh KCN để thuê. Điều này càng khiến cho giá thuê phòng trọ ở các hộ dân tăng lên.
Chị Nguyễn Thị Nga (Nga Trường, Nga Sơn, Thanh Hóa) CN Công ty Canon, KCN Bắc Thăng Long cho hay: Giá một phòng trọ gần KCN từ 800.000 đồng/tháng đến 1,2 triệu/tháng. Thế nhưng, với đồng lương CN eo hẹp, hầu hết mọi người đều lựa chọn thuê phòng trọ giá rẻ. “Ở công ty tôi, lương CN trung bình 4,2 triệu đồng/ tháng, chưa tính tăng ca. Mức lương này cũng thuộc vào nhóm CN thu nhập cao, nhưng nếu tính chi ly mọi sinh hoạt, thì để có dư cũng phải tiết kiệm lắm” – Nga chia sẻ.
`Nga cũng cho biết, việc thuê nhà trọ tại các hộ gia đình gần KCN khá thuận tiện cho các cặp vợ chồng sinh sống, tuy nhiên khi có con thì những căn phòng nhỏ hẹp này rất bất tiện vì phải có thêm người nhà lên trông con. Thuê thêm phòng thì không có khả năng nên nhiều CN đã phải gửi con về quê mặc dù biết không tốt cho tâm lý cũng như sự phát triển của con.
Yêu vội, sống vội
Với tính chất công việc đặc thù, cơ hội để CN được học hỏi, giao lưu với xã hội bên ngoài rất hạn chế. Đó là chưa kể đến chuyện nếu phải tăng ca, tăng giờ làm thì cuộc sống của họ hầu như chỉ biết đến công ty và nhà trọ. Công việc vất vả lại sống xa gia đình, nhiều lao động đặc biệt là lao động nữ không tránh khỏi thấy thiếu thốn tình cảm. Cũng chính vì thế, khi họ gặp người nào đó đồng cảm với mình là chấp nhận cùng nhau “góp gạo thổi cơm chung”.
Chị Nga – Công ty Canon chia sẻ: “Rất nhiều bạn CN lựa chọn sống thử, sống chung, một mặt để tiết kiệm chi tiêu, sinh hoạt, một mặt giải quyết nhu cầu thiếu thốn tình cảm. Thế nhưng, từ những quyết định vội vàng ấy, biết bao bi kịch xảy ra, để rồi hậu quả gánh chịu cuối cùng vẫn là người phụ nữ. Người thì bị bạn trai đánh đập, người thì bị bỏ rơi khi bạn trai biết tin người yêu có thai…”.
Tương tự, chị Thu Huyền ở Hòa Bình, CN một công ty may tại KCN Quang Minh tâm sự: “Xa nhà, xa gia đình nên việc thiếu thốn tình cảm với CN nữ bọn em là bình thường. Làm cả ngày, rồi tăng ca đêm nên khó kiếm được người yêu. Chúng em lo kiếm được đồng vốn lận lưng, quay ra thì cũng già mất rồi chả ai nhòm ngó”.
Trao đổi về cuộc sống khó khăn của CN tại các KCN, ông Đỗ Duy Cao – Cán bộ Ban quản lý KCN Quang Minh cho hay: “Hiện nay không chỉ có KCN Quang Minh, mà còn rất nhiều các KCN, KCX khác trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa có được các khu nhà ở, và khu nhà trẻ dành cho con em công nhân. Chúng tôi hi vọng rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà Nước và các cấp, các ngành, cùng với sự chung tay của các doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều dự án hỗ trợ công nhân nữa được xây dựng, góp phần nâng cao đời sống CN”.
Bình luận (0)