Trời đã nhá nhem tối nhưng nhiều phòng trọ công nhân (CN) ở hẻm 37 đường số 9, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP HCM vẫn chưa sáng đèn. Phòng trọ của chị Trần Thị Thủy, CN Công ty Freetrend - KCX Linh Trung 1, vắng lặng. “Hôm nay, chồng tăng ca nên ăn ở ngoài, còn tôi lát nấu gói mì là xong bữa, khỏi nấu nướng chi cho tốn kém, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy” - chị Thủy phân trần.
Đắp đổi qua ngày
Chị Thủy từ Ninh Thuận vào TP HCM làm được 8 năm với lương và phụ cấp 4,5 triệu đồng/tháng, tính luôn tăng ca được gần 6 triệu đồng/tháng. Trước khi lập gia đình, mỗi tháng chị dành dụm được 2 triệu đồng gửi về nhà cho ba mẹ ở quê. Thế nhưng, khi lập gia đình cách đây 3 năm, rồi lần lượt 2 đứa con ra đời, vợ chồng chị bắt đầu lâm cảnh túng quẫn. Chồng chị làm CN kho tại Dĩ An (tỉnh Bình Dương) với thu nhập 5 triệu đồng/tháng, cơm nước tự lo nên chẳng còn bao nhiêu. Cầm cự mãi, vợ chồng chỉ giữ đứa nhỏ được nửa năm rồi đành gửi về quê cho ông bà chăm sóc. “Nhiều lúc nhớ con quay quắt mà đành chịu. Nhưng nếu đem cả 2 đứa vào đây thì làm sao kham nổi khi tiền giữ trẻ đã hơn 2,6 triệu đồng/tháng, rồi tiền ăn, tiền sữa, tiền thuốc men...” - chị Thủy thở dài.
Ghé phòng trọ của chị Vũ Thị Thiên, CN Công ty Sungshin (KCX Linh Trung 1), chúng tôi nhìn thấy chị lúi húi nấu cháo cho đứa con gái mới 8 tháng tuổi. Chồng chị Thiên là tài xế đường dài nên lâu lâu mới về nhà một lần. Sáng chị gửi con ở nhóm trẻ gần nhà, chiều đón con về. Lương tài xế của chồng hơn 5 triệu đồng/tháng nhưng ăn uống tự túc nên mỗi tháng chỉ dư 2 triệu đồng, vừa đủ để gửi về quê cho bà nội nuôi đứa con lớn 4 tuổi. Sau khi sinh đứa thứ hai, chị Thiên không tăng ca được nên thu nhập chỉ còn lương và phụ cấp, chưa đầy 5 triệu đồng/tháng. Với số tiền ấy, chị phải trang trải đủ thứ, từ tiền nhà trọ, điện nước, gửi con, tiền sữa cho con... nên không tháng nào có dư. Người mẹ trẻ này hằng ngày chỉ dám mua ít thịt, rau nấu cháo cho con, còn mình thì cơm bụi qua loa, chủ yếu mì tôm cho qua bữa. “Tôi chỉ mong có sức khỏe, không ốm đau bệnh tật là mừng” - chị Thiên bộc bạch.
Sống chật vật
Thu nhập bấp bênh khiến số đông CN không có nhiều lựa chọn, phải sống trong những khu nhà trọ giá rẻ, ẩm thấp và nhếch nhác.
Ghé phòng trọ của vợ chồng anh Lê Mạnh Cường - CN Công ty Sambu Vina Sports, ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn - chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Phòng trọ chỉ rộng khoảng 9 m2, nhà vệ sinh được bố trí ngay trong phòng nên phần diện tích để ở không còn là bao. Đồ dùng sinh hoạt cũng đơn giản, gồm 1 tủ vải đựng quần áo, chiếc nệm gấp, quạt bàn, kệ để chén bát, một vài xoong nồi và bếp gas... Dù mới 9 giờ nhưng không khí trong phòng rất oi bức, chiếc quạt bàn chạy hết cỡ vẫn không đủ xua đi cái nóng. Thấy tôi ái ngại, Cường phân trần: “Riết rồi cũng quen chị ơi. Ở đây, tụi em ngán nhất là trời mưa!”. Cường cho biết sau nhiều lần nâng cấp hẻm, nền phòng trọ của anh thấp hơn mặt đường. Mỗi khi mưa lớn, nước thoát không kịp là phòng trọ... thành ao. Có hôm tăng ca về, vợ chồng mở cửa phòng thì thấy nước lênh láng, đồ đạc ướt sũng. Khi đó, vợ anh dù bụng mang dạ chửa cũng phải cùng chồng lau dọn suốt đêm. Ám ảnh với cảnh tượng ấy, khi vợ sinh con, anh định mua chiếc giường về để vợ con nằm nhưng do diện tích phòng trọ quá chật nên thôi. Thỉnh thoảng, bố mẹ vợ lên thăm cháu, thấy phòng ốc chật chội, xót cháu nên bảo anh phải chuyển đến nơi rộng rãi hơn. Những lúc như thế, anh chỉ ậm ừ cho qua chuyện.
“Thu nhập của vợ chồng gần 9 triệu đồng/tháng nhưng phải nuôi con nhỏ và phụ giúp cha mẹ nuôi em ăn học ở quê nên chừng đó chẳng thấm vào đâu. Ở đây, tuy chật chội nhưng giá rẻ, khoảng 1 triệu đồng/tháng, bao gồm cả điện nước. Hơn nữa lại gần công ty, tiết kiệm được tiền xăng” - anh Cường chia sẻ.
Khổ trăm bề
Ghé khu nhà trọ CN ở xã Trung An, huyện Củ Chi, TP HCM ngày cuối tuần, chúng tôi không khỏi cám cảnh với điều kiện sống tạm bợ của họ nơi đây. Giá thuê phòng khá thấp, chỉ từ 400.000-600.000 đồng/tháng nên khó đòi hỏi nhiều về chất lượng. “Mọi thứ sinh hoạt như tắm rửa, vệ sinh, giặt giũ... đều phải dùng nhà vệ sinh chung. Dột nát và nóng bức, sinh hoạt bất tiện nhưng tụi em phải cắn răng chịu đựng. CN khổ đủ đường rồi” - chị Neang Sane, CN Công ty Việt Nam SamHo, cho biết.
Bình luận (0)