Các chương trình chăm lo do Tổng LĐLĐ Việt Nam khởi xướng như "Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể", "Phúc lợi vì đoàn viên CĐ", "Tháng Công nhân"… không chỉ tạo điểm nhấn đặc biệt trong công tác chăm lo mà còn nhận được sự đồng thuận cao từ người sử dụng lao động.
Bối cảnh hội nhập sâu rộng của đất nước đòi hỏi tổ chức CĐ Việt Nam phải không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Trong đó, yêu cầu hàng đầu là thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của NLĐ. Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi tổ chức CĐ Việt Nam phải xây dựng lực lượng cán bộ vững vàng về bản lĩnh chính trị, tâm huyết với phong trào, đặc biệt là có kỹ năng hoạt động.
Theo tôi, chiến lược quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ CĐ các cấp cần xây dựng một cách căn cơ và mang tính bền vững bởi đây là vấn đề mang tính sống còn. Đối với cấp trên cơ sở, ngoài việc hoàn thiện quy trình chọn lựa, quy hoạch và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần đầu tư kinh phí thỏa đáng cho công tác đào tạo nâng cao kiến thức, năng lực cho đối tượng này. Đội ngũ cán bộ CĐ cấp trên cần được huấn luyện, đào tạo thông qua công tác luân chuyển, nhất là đối với cán bộ CĐ thuộc diện quy hoạch của TP. Làm tốt điều này sẽ giúp cán bộ CĐ có điều kiện tiếp xúc cơ sở, từ đó bổ sung kiến thức thực tế để phát triển nhanh và toàn diện hơn. Thông qua hoạt động của các câu lạc bộ cán bộ CĐ, nên tăng cường trao đổi, nghiên cứu những văn bản pháp luật, thông tin kịp thời các văn bản mới ban hành; chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay tại các cấp CĐ để cùng học tập…
Ở nhiều doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh, do là người làm công ăn lương nên cán bộ CĐ cơ sở thường ngại va chạm khi đứng ra đại diện, bảo vệ NLĐ bởi họ sẽ đối diện nguy cơ mất việc. Thực tế này vô tình triệt tiêu quyền đại diện của tổ chức CĐ tại DN, trong khi chế định bảo vệ cán bộ CĐ khi họ bênh vực quyền lợi NLĐ hiện không mấy phát huy tác dụng. Cán bộ CĐ cơ sở là lực lượng trực tiếp chăm lo, bảo vệ quyền lợi tại chỗ cho NLĐ. Do vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần xây dựng giáo trình riêng và cụ thể cho từng loại hình DN. Giáo án huấn luyện phải đưa ra tình huống cụ thể cũng như hướng dẫn kỹ năng giải quyết, nhất là khi đơn vị xảy ra đình công, ngừng việc tập thể. Đối với những nơi mà hoạt động CĐ chưa đạt độ tin cậy, CĐ cấp trên cần tăng cường cán bộ chuyên trách để hỗ trợ, nhất là trong công tác thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Bình luận (0)