Trong khoảng 10 năm trở lại đây, phong trào xuất khẩu lao động (XKLĐ) phát triển mạnh mẽ tại các tỉnh ĐBSCL. Đặc biệt, tại các tỉnh như Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long và Bến Tre, phong trào XKLĐ đã trở thành một trong những mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương và là con đường khởi nghiệp lý tưởng của các bạn trẻ.
Thị trường tiềm năng
Các tỉnh ĐBSCL hiện đang phải đối mặt với tình trạng lao động thất nghiệp gia tăng do dịch Covid-19. Các công ty trong nước chưa giải quyết hết nhu cầu của người lao động (NLĐ). Các tỉnh lại thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Để khắc phục, bên cạnh giải quyết việc làm trong nước thì đi làm việc ở nước ngoài với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực là phương án được nhiều tỉnh lựa chọn và đầu tư.
Thị trường nguồn lao động nước ngoài tại các tỉnh ĐBSCL có nhiều đặc điểm nổi bật, thu hút các công ty phái cử triển khai chương trình tư vấn, tạo nguồn. Đầu tiên phải kể đến là lực lượng thanh niên trong độ tuổi lao động dồi dào, muốn được đi XKLĐ để thay đổi kinh tế cá nhân và gia đình. NLĐ tại các tỉnh này đa phần có tính cách ôn hòa, thân thiện, tạo được nhiều thiện cảm và được các xí nghiệp sử dụng lao động tại Nhật đánh giá cao. Bên cạnh đó, lãnh đạo tại địa phương luôn coi trọng chương trình XKLĐ và có nhiều chính sách hỗ trợ rất tốt cho NLĐ tham gia. Chính sách vay vốn và hỗ trợ không hoàn lại cho NLĐ được các tỉnh triển khai đa dạng, hiệu quả.
Sau nhiều năm thực hiện, các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long đều duy trì con số hơn 1.000 NLĐ xuất cảnh mỗi năm. Còn Trà Vinh, Cà Mau, An Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Long An, Bạc Liêu, Cần Thơ đều đang duy trì ở con số khoảng 200-600 NLĐ đi làm việc ở các nước hằng năm.
NLĐ ở ĐBSCL đã tạo được niềm tin đối với các công ty tiếp nhận lao động nước ngoài. Trong một số thông báo tuyển dụng còn đưa nhiều điều kiện ưu tiên đối với NLĐ có hộ khẩu ở khu vực này. Theo ông Huỳnh Hồ Đại Nghĩa - chuyên gia trong lĩnh vực XKLĐ, người đã có hơn 10 năm gắn bó với thị trường ĐBSCL - thì NLĐ nơi đây rất "lành tính - lành nghề". Đây là điểm mạnh đáp ứng tốt yêu cầu của các công ty phái cử.
"Tôi ấn tượng nhất vẫn là tinh thần khởi nghiệp và giúp đỡ gia đình của các bạn trong suốt quá trình đi làm việc nước ngoài. Tỉ lệ giải quyết phát sinh trước và sau khi xuất cảnh đều ở mức thấp. Nhiều bạn về nước thành công đã trở thành gương điển hình ở địa phương và giúp giải quyết thêm nhiều việc làm cho NLĐ tại chỗ" - ông Nghĩa nhận xét.
Một phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Trà Vinh tổ chức
Giải ngân ngay khi đủ hồ sơ hợp lệ
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều khó khăn cho công tác tạo nguồn lao động xuất khẩu ở khắp các địa phương.
Bà Quách Thanh Thoảng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau, cho biết thời gian qua, hầu hết trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh phía Nam đều hoạt động trong hoàn cảnh vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vừa tham gia công tác phòng chống dịch. Do phải chuyển đổi sang hình thức làm việc trực tuyến nên các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tạo nguồn XKLĐ theo hình thức cũ đều không thể thực hiện được. Mặt khác, người dân đang có tâm lý e ngại dịch bệnh, không muốn rời địa phương, dẫn đến số NLĐ tham gia ở các công ty phái cử ngày càng giảm.
Để khắc phục khó khăn, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau đã tăng cường tuyên truyền, tư vấn cho NLĐ qua Facebook, Zalo và tuyên truyền liên thông trên website của các trường cao đẳng nghề, THPT trên địa bàn tỉnh. Các giải pháp này đang phát huy hiệu quả khi số lượng học sinh, sinh viên đăng ký tư vấn và tham gia ngày càng nhiều. Ngoài ra, được sự hỗ trợ của UBND tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, trung tâm còn tổ chức kết nối trực tiếp với các địa phương ở Hàn Quốc cũng như một số công ty phái cử có chương trình ngắn hạn sang Nhật Bản. Các chương trình lao động thời vụ sang Hàn Quốc, Nhật Bản đã tạo cơ hội cho NLĐ trên 35 tuổi đang mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo ông Trịnh Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Trà Vinh, các địa phương đều phải chấp nhận thực trạng sống chung với đại dịch lâu dài và phải chuẩn bị phương án ứng phó trong mọi tình huống. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Trà Vinh ngoài ứng dụng công nghệ thông tin để tư vấn trực tuyến cho NLĐ còn tổ chức thành công các lớp dạy ngoại ngữ online, đáp ứng yêu cầu của các công ty phái cử. Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng đứng ra làm đầu mối triển khai chương trình XKLĐ, ký kết hợp tác và chọn lọc các công ty phái cử uy tín. Dù có nhiều khó khăn nhưng năm 2020, Trà Vinh đưa được 460 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài (năm 2019 đưa được 604 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài).
Tính đến hết ngày 18-8, tỉnh Trà Vinh đã có hơn 200 lao động trúng tuyển và chờ ra nước ngoài làm việc. "Ngoài đẩy mạnh tư vấn trực tuyến, tỉnh cũng đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn để hỗ trợ người dân đi lao động nước ngoài, giải ngân ngay khi có đủ hồ sơ hợp lệ" - ông Hùng cho biết.
Bình luận (0)