Đến thăm nhà ăn của Công ty TNHH Tsuchiya Tsco Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore I, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là không gian thoáng mát, sạch sẽ, nhân viên phục vụ tận tình. Mỗi suất ăn được bày biện đẹp mắt và đầy đủ các món cho người lao động (NLĐ) lựa chọn.
Tái tạo sức lao động
Trao đổi với phóng viên, bà Huỳnh Kim Phượng, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết trị giá mỗi suất ăn giữa ca là 38.500 đồng. Ngoài ra, công nhân (CN) còn được bổ sung thêm phần thức uống như sữa chua, sữa tươi… "Chủ trương của công ty là mỗi suất ăn khi đến với CN phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và đầy đủ dinh dưỡng để họ tái tạo sức lao động. Lãnh đạo công ty thường xuyên dùng bữa với CN để cảm nhận và kịp thời có những điều chỉnh nếu phần cơm không ngon" - bà Phượng nói.
Cũng từ quan điểm phục vụ bữa ăn giữa ca cho CN phải tươm tất nên nhà ăn của công ty được trang bị máy lạnh, nhân viên nhà ăn được kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Mỗi CN sử dụng một khay, thức ăn được phục vụ theo yêu cầu, có đủ nước và trái cây tráng miệng. Thực đơn được nhà bếp lên sẵn, liên tục thay đổi để phù hợp với khẩu vị của CN.
Công nhân Công ty TNHH Compass II ăn cơm trưa trong không gian sạch sẽ, thoáng mát
Tại Công ty TNHH Torex Semiconductor Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore II), do chỉ có khoảng 100 CN nên ban giám đốc không tổ chức bếp ăn mà đặt cơm ở bên ngoài. Cả giám đốc và CN đều ăn suất cơm 30.000 đồng/người, được để trong cặp lồng ngăn nắp, gọn gàng, khi mở ra ăn vẫn còn nóng.
Tại Công ty TNHH Compass II (KCN Việt Nam - Singapore I), mỗi suất ăn giữa ca cho CN trị giá 25.000 đồng. Ngoài ra, CN còn được hỗ trợ bữa ăn sáng trị giá 15.000 đồng. "Ngoài việc tự tuyển đầu bếp, công ty cũng kiểm soát chặt chẽ các khâu, từ lựa chọn nguyên liệu và chế biến, do vậy bữa ăn luôn bảo đảm chất lượng và an toàn sức khỏe cho CN" - ông Nguyễn Duy Phương, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết.
Nhiều lựa chọn cho công nhân
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bữa ăn giữa ca có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sức khỏe lâu dài của NLĐ. Qua diễn biến nhiều vụ ngộ độc thực phẩm ở các doanh nghiệp, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được NLĐ quan tâm nhất. Theo chị Nguyễn Thị Dung, CN một công ty hóa mỹ phẩm ở TP Thủ Dầu Một, một bữa ăn giữa ca trị giá 15.000 đồng hay 17.000 đồng thì cũng gần như tương đương nhau, song điều khiến chị lo lắng là nguồn gốc thực phẩm chế biến. Để giúp CN an tâm làm việc và từng bước nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca, nhiều Công đoàn cơ sở tại Bình Dương đã có cách làm rất thuyết phục.
Ông Đỗ Quang Trung, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nitto Denko Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore I), cho biết hằng năm ban chấp hành Công đoàn cơ sở chủ động lên kế hoạch khảo sát suất ăn giữa ca ở một số doanh nghiệp cùng ngành nghề để từ đó đề xuất ban giám đốc xem xét cải thiện chất lượng. Ông Trung và các thành viên ban chấp hành Công đoàn cơ sở thường tranh thủ giờ nghỉ trưa để đến các công ty lân cận nhằm khảo sát và so sánh với suất ăn hiện tại của doanh nghiệp. Do quá trình khảo sát và tập hợp ý kiến NLĐ được thực hiện bài bản nên mọi đề xuất của Công đoàn cơ sở về việc nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca đều nhận được sự ủng hộ của ban giám đốc.
Bà Nguyễn Thị Kim Nguyên, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương, cho biết ở rất nhiều doanh nghiệp, do chỉ có một nhà thầu nấu ăn nên thực đơn bữa ăn giữa ca rất đơn điệu và không phù hợp với khẩu vị của CN. Để cải thiện chất lượng bữa ăn giữa ca cho NLĐ, Công đoàn cơ sở đưa ra ý tưởng thuê cùng lúc hai nhà thầu nấu ăn; đề xuất mức thấp nhất cho bữa ăn ca là 20.000 đồng/suất. Ý tưởng hợp lý này của CĐ được ban giám đốc đánh giá cao bởi CN sẽ có nhiều lựa chọn hơn.
Từ khi công ty thuê hai đơn vị cung cấp suất ăn phục vụ cùng lúc thì thực đơn khá phong phú, gồm 2 món mặn, 1 món xào và canh. Có hôm còn có thêm các món như phở, bún, đồ chay... cho CN lựa chọn. Công đoàn cơ sở còn cử cán bộ giám sát đầu vào nguyên vật liệu để ngăn chặn tình trạng các đơn vị cung cấp bữa ăn bớt xén khẩu phần ăn của CN hoặc trục lợi từ nguồn thực phẩm không bảo đảm chất lượng, không an toàn.
Nữ CN Nguyễn Thị Hoa cho biết chị đã làm việc tại đây hơn 10 năm và nhận thấy suất ăn được cải thiện hơn, trước đây chỉ có 2 món thì bây giờ tới 3 món, các món ăn đa dạng, thay đổi từng ngày, thái độ phục vụ của nhân viên cũng tốt hơn.
Không chỉ thương lượng cải thiện chất lượng bữa ăn giữa ca, nhiều Công đoàn cơ sở còn cử cán bộ phối hợp với doanh nghiệp giám sát đầu vào thực phẩm, kể cả khâu chế biến, nhờ vậy giảm thiểu được rủi ro ngộ độc. Ở các doanh nghiệp tổ chức tốt bữa ăn giữa ca, tinh thần CN làm việc rất phấn chấn, năng suất lao động cũng cao hơn".
Bà ONG THỊ HOÀNG MAI, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương
Bình luận (0)