Trong Báo cáo môi trường kinh doanh 2014 của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố về chỉ số nộp thuế, thời gian doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam làm thủ tục về BHXH là 335 giờ/năm với số lần nộp là 12 lần/năm. Tiêu chí này được tính chung vào khái niệm nộp thuế với con số tính chung là 872 giờ và 32 lần nộp thuế/năm, đứng gần cuối bảng xếp hạng.
Cắt giảm 152 thủ tục
Theo yêu cầu tại Nghị quyết 19 về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ BHXH Việt Nam phải rà soát thủ tục hành chính để đến tháng 12-2014, số giờ làm thủ tục BHXH chỉ còn 108, đến cuối năm 2015 chỉ còn 49,5 giờ - tương đương mức các nước ASEAN-6 (Indonesia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia, Brunei).
Ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết trong thẩm quyền của mình, từ năm 2012 (thời điểm WB lấy số liệu đánh giá), BHXH Việt Nam đã chủ động rà soát và cắt giảm bộ thủ tục hành chính. Nhờ vậy, đã giảm từ 263 xuống còn 111 thủ tục, trong đó có 10 loại thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến các bước khai báo của DN về nộp BHXH và BHYT. Trong 10 thủ tục này, BHXH Việt Nam vẫn đang tiếp tục rà soát để cắt giảm tiếp.
Hiện nay, BHXH Việt Nam đang quyết liệt triển khai 3 giải pháp để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính. Đó là rà soát tất cả thủ tục liên quan đến quy định, quy trình thu, chi, cấp sổ, cấp thẻ BHXH ở tất cả các cấp nhằm cắt giảm những khâu rườm rà, gây khó cho người nộp bảo hiểm. Đồng thời, phối hợp với ngành bưu điện thực hiện việc giao, nhận hồ sơ về BHXH cho khách hàng; ứng dụng giao dịch BHXH điện tử, chữ ký số trên toàn hệ thống.
Theo ông Đỗ Văn Sinh, thủ tục BHXH điện tử đã được triển khai tại một số thành phố lớn nhưng do đang trong quá trình thí điểm nên chưa có quy định về giao dịch điện tử. Vì vậy, DN sau khi giao dịch hồ sơ điện tử qua mạng vẫn phải nộp hồ sơ giấy cho cơ quan BHXH. Để khắc phục tình trạng này, BHXH Việt Nam đang đề xuất Chính phủ cho áp dụng khai điện tử, nộp điện tử, đối chiếu điện tử, không dùng chứng từ giấy. Tuy nhiên, trong thực tế, việc giao dịch BHXH điện tử yêu cầu phải sử dụng chữ ký số, làm tăng chi phí cho DN nhỏ và vừa nên họ không mặn mà.
Về vấn đề này, Tổng cục Thuế đề xuất BHXH Việt Nam nghiên cứu và đề nghị Chính phủ cho phép DN sử dụng chữ ký số để khai thuế có thể khai và nộp BHXH. Dự kiến đến đầu năm 2015, việc giao dịch điện tử sẽ được triển khai trong toàn hệ thống BHXH.
Bên cạnh đó, BHXH đang gấp rút thực hiện dự án cung cấp miễn phí phần mềm khai báo nộp BHXH cho trên 480.000 DN và trên 1 triệu đơn vị, sự nghiệp hành chính, người lao động. Theo đó, khách hàng sẽ tải miễn phí phần mềm về để khai báo nộp BHXH một cách dễ dàng.
Xin xóa nợ của DN bỏ trốn
Ông Đỗ Văn Sinh đánh giá tình trạng trốn đóng BHXH vẫn diễn biến rất phức tạp. Giám đốc BHXH Cần Thơ phản ánh có tập đoàn thành lập 2 DN với số lao động tương đương nhau, cùng hoạt động trong lĩnh vực thủy sản. Cứ 2 tháng một lần, tập đoàn này hoán đổi lao động ở 2 DN trực thuộc nên theo luật thì không phải nộp BHXH mà vẫn không bị phạt.
Việc xử lý “quyền lợi treo” tại các DN chiếm dụng tiền BHXH, DN có chủ bỏ trốn cũng gặp không ít khó khăn. Đến ngày 31-1, có 849 DN giải thể, phá sản với 2.146 lao động, nợ 63,2 tỉ đồng; 6.773 DN không giao dịch với 18.392 lao động, nợ 495 tỉ đồng; 179 DN nước ngoài có chủ bỏ trốn với 6.127 lao động, nợ 54,8 tỉ đồng. Như vậy, người lao động bị “treo” quyền lợi bảo hiểm với 613 tỉ đồng không giải quyết được.
BHXH Việt Nam đã có dự thảo cơ chế xử lý và đang gửi các bộ, ngành liên quan xin ý kiến trước khi trình Thủ tướng thông qua. Cơ chế hiện nay không cho phép xóa nợ BHXH, chỉ cho khoanh nợ, trong thời gian khoanh nợ vẫn phải trả lãi nên không xử lý được. Vì vậy, BHXH Việt Nam đề xuất 2 phương án giải quyết. Phương án 1 là kiểm tra trong số này, chủ sử dụng lao động đã thu tiền BHXH hay chưa. Hình thức xử lý là đóng đến đâu chốt sổ đến đấy, khi chủ sử dụng lao động nối lại quan hệ với BHXH thì xử lý tiếp. Phương án 2 là DN đã thu BHXH rồi thì phải đóng đến hết lúc hoạt động và BHXH phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cho người lao động. Theo phương án này, phải tạo được nguồn để bù vào 613 tỉ đồng nợ BHXH.
Xin tăng lương cho nhân viên BHXH
Trước băn khoăn của dư luận về việc dự thảo Luật BHXH đề xuất tăng gấp 1,8 lần lương cho công chức, ông Đỗ Văn Sinh cho biết với mức tăng như đề xuất, bình quân thu nhập của cán bộ bảo hiểm chỉ khoảng 5,4 triệu đồng/tháng. Đây là mức thấp so với khối lượng công việc họ đang phải đảm đương. Hiện nay, mỗi cán bộ bảo hiểm phải phục vụ 3.380 người, bảo đảm doanh số thu - chi mỗi năm là 20,551 tỉ đồng, cao gấp đôi so với ngành thuế và nhiều ngành khác. Trong khi đó, bình quân tiền lương ngành này thấp, ít có cơ hội tăng thu nhập. Ví dụ, năm 2010, tiền lương bình quân của cán bộ ngành BHXH là 2,2 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân là 3,9 triệu đồng/tháng. Năm 2011, tiền lương tăng lên là 2,7 triệu đồng/tháng và thu nhập là 4,8 triệu đồng/tháng.
Bình luận (0)