Theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau: - 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Thế nhưng trong nội dung hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu, sau 1 năm nghỉ việc không tham gia bảo hiểm xã hội, và đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội bằng 1 tháng tiền lương bình quân tính đóng bảo hiểm xã hội.
Xung quanh đề xuất gây tranh cãi này, Báo Người Lao Động tiếp tục nhận được ý kiến phản ứng khá gay gắt của bạn đọc. Bạn đọc Cao Độ bày tỏ: "Nếu đề xuất như vậy thì chúng tôi và Doanh nghiệp không tham gia bảo hiểm xã hội nữa mà tự thống nhất với nhau là số tiền mà doanh nghiệp đóng cho người lao động thì trả vào lương hàng tháng cho người lao động khỏi nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nữa. Mà không hiểu sao mà cơ quan bảo hiểm kêu là vỡ quỹ tiền người lao động và doanh nghiệp đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội nhưng người lao động có được hưởng cả đâu vậy tiền còn lại đó cơ quan bảo hiểm để đâu, chi vào việc gì mà kêu hết tiền vỡ quỹ?".
Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Thị Bích Thúy, nói đó là những đồng tiền mồ hôi và nước mắt của người lao động. Nếu không làm đúng thì người lao động sẽ không ai dám sử dụng bảo hiểm xã hội nữa. Cùng tâm trạng, bạn đọc Trần Anh Phú đặt câu hỏi thẳng thắn: " Ai đưa ra đề xuất lãnh bảo hiểm xã hội 1 lần chỉ được 50% Xin hỏi vị này có biết người lao động đổ mồ hôi, nước mắt để đóng bảo hiểm xã hội mà nay lại nhẫn tâm đề xuất chỉ cho lãnh 1 lần được 50%?’. Bạn đọc Phan Bình cũng bức xúc không kém khi cho rằng người lao động đã cực khổ rồi mà giờ lại thêm việc cắt giảm bảo hiểm xã hội nữa. Thay vào đó, cơ quan soạn thảo nên suy nghĩ cách giúp cho người lao động vượt qua khó khăn thì có phải tốt hơn không.
Ở một góc nhân văn hơn, bạn đọc Hoangnamvtd góp ý: Thiết nghĩ các chính sách xã hội về người lao động phải phù hợp và mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động tham gia. Khi được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, hưu trí phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Có như vậy mới thu hút được đông đảo các thành phần trong xã hội tham gia. Vì vậy những người làm luật nên đứng trên quan điểm của đại đa số người lao động trực tiếp mới thấu hiểu và thực tế hơn khi đề xuất và ban hành các quy định mới.
Bạn đọc Phạm Quốc Tuấn phân tích: "Hiện tại người lao động hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, cứ mỗi năm được hưởng 1,5 tháng lương. Mà bây giờ đề xuất còn 1 tháng, giảm 50% mức hưởng nữa thì người lao động chắc chết hết. Vì đa phần người lao động đi làm thì lương chỉ đủ xoay sở cuộc sống hàng ngày. Tiền bảo hiểm xã hội là cái để gọi tài tài sản dư sau khi họ nghỉ việc. Theo quan điểm cá nhân, tôi không đồng ý với đề xuất trên. Mong các ông bộ ngành trung ương xem lại". Tương tự, bạn đọc Trần Văn Đạt cho rằng đây là cách bóp nghẹt người lao động rơi yếu thế. "Nộp tiền vào bảo hiểm xã hội chẳng khác nào cho mượn không có lãi mà khi cần lấy còn bị mất. Nếu lấy tổng tiền đóng bảo hiểm xã hội gửi ngân hàng thì con số thu về gấp nhiều lần đóng bảo hiểm xã hội" – bạn đọc này viết.
Bạn đọc Trần Thị Ngọc Lài ủng hộ ý kiến của bà Trần Thị Nga nguyên vụ trưởng vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), đó là có đóng thì có hưởng, đóng nhiều hưởng nhiều đóng ít hưởng ít.
Bình luận (0)