Theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau: - 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Thế nhưng trong nội dung hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu, sau 1 năm nghỉ việc không tham gia bảo hiểm xã hội, và đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội bằng 1 tháng tiền lương bình quân tính đóng bảo hiểm xã hội. Xung quanh đề xuất này, Báo Người lao động tiếp tục nhận được nhiều ý của độc giả góp ý về vấn đề này.
Bạn đọc Trần Toàn bày tỏ: Tuổi hưởng lương hưu là quá dài, thời gian đóng quá dài, phần lớn người lao động trên thực tế không kham được, họ cái khó nên mới rút lần. Tôi năm nay 27 tuổi mà cũng chưa được 1 năm bảo hiểm, vì từng làm nhiều nơi người ta không đóng bảo hiểm cho mình, bản thân tôi nghĩ mình cũng chẳng thể nào đóng đủ thời gian theo quy định. Đi làm cực khổ lắm, mà giờ tiền mình làm ra mình không được hưởng".
Bạn đọc tên Tú góp ý: Mình 25 tuổi đóng được 3 năm mình không thể làm và đóng được nữa vậy cho rút 50% còn 50% đợi tới 35 năm nữa rút. Có mấy vấn đề xảy ra. Một là 50% số tiền đó mua được gì của 35 năm sau". Hai là là 50% của 3 năm bảo hiểm đó có còn quan trọng cho người hưởng sau 35 năm không khi thực tế họ cần lúc đầu". Ba là nhà nước xử lý 50% như thế nào?".
Tương tự, bạn đọc Nguyễn Thị Hoài Nam cũng nêu ví dụ: "Bản thân tôi là người lao động, hàng tháng tôi và doanh nghiệp nộp bảo hiểm xã hội tổng là 1,6 triệu đồng×12 tháng = 19.2tr/ năm, theo luật cũ tôi rút được 2 tháng lương tương đương 10 triệu đồng, như vậy là bảo hiểm xã hội đã lấy 1 cách danh chính ngôn thuận 9,2 triệu đồng của tôi rồi chưa tính lãi đóng thế mà các ông vẫn kêu lỗ. Xin hỏi 9,2 triệu đồng của tôi đi đâu? Giờ đòi lấy thêm nữa ko hiểu mấy ông nghĩ gì??
Bạn đọc Hồ Huy bức xúc: "Phúc lợi từ quỹ bão hiễm xã hội đâu không thấy, cứ ngày càng ép người lao động. Khi đề xuất một quy định nào đó thì phải cân bằng giữa lợi ích và nghĩa vụ, còn đằng này chỉ muốn cắt đi quyền lợi của người lao động, hỏi chăng mấy ông ngồi trên định cắt cái tiền đó làm gì?". Cùng suy nghĩ, bạn đọc Bùi Thị Thắng bày tỏ: Xin hãy nghĩ và thương người lao động. Những trường hợp rút bảo hiểm xã hội 1 lần phần lớn là lao động nghèo khó, không còn đường xoay sở nên mới xin rút tiền nộp bảo hiểm xã hội để hưởng 1 lần. Nay Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút nộp bảo hiểm xã hội hưởng 1 lần thì có chèn ép người nghèo không? Đó là tiền lương của người lao động trích lại, nay họ quá khổ xin rút thì trả lại cho họ.
Bạn đọc Nguyễn Cảnh Sơn lý giải: "Mỗi tháng bảo hiểm xã hội thu trên 1 người lao động là 22% của 1 tháng lương. 12 tháng tổng thu trên 1 người lao động là 2.64 tháng lương. Nếu người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần, họ được rút 2 tháng cho 12 tháng đóng. Như vậy bảo hiểm xã hội đã lãi của người lao động 0,64 tháng lương. Tại sao lo vỡ quỹ. Tại sao lại áp dụng nhưng quy định vô lý này lên người lao động".
Bạn đọc T.Ngọc góp ý: Khuyến khích người lao đông giữ bảo hiểm thôi, để về già có lương hưu chứ không nên hạ mức hưởng một lần xuống 50% rất thiệt cho người lao động, họ chỉ bất khả kháng mới rút một lần thôi, nếu vậy họ đã khổ còn khổ hơn nữa. Mong bảo hiểm xã hội nghiên cứu kỹ mức đề xuất này.
Bình luận (0)