Theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau: - 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Mới đây, trong nội dung hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu, sau 1 năm nghỉ việc không tham gia bảo hiểm xã hội, và đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội bằng 1 tháng tiền lương bình quân tính đóng bảo hiểm xã hội. Xung quanh đề xuất này, Báo Người lao động tiếp tục nhận được nhiều ý của độc giả góp ý về vấn đề này.
Bạn đọc Nguyenhuuminh bình luận: "Tiền đóng bảo hiểm xã hội là tiền của người lao động, dù là doanh nghiệp hay người lao động đóng. Rút bảo hiểm xã hội một lần thì người lao động đã lỗ 50% mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tương đương 3 tháng lương nhưng khi rút 1 lần chỉ được 1,5 tháng lương cho mỗi năm đóng. Thế mà Bộ Lao động- thương binh và xã hội còn đòi cắt 50%. Thật quá đáng". Tương tự, bạn đọc có nickname Ghost bày tỏ suy nghĩ: "Nghĩ cũng lạ. Tiền bảo hiểm xã hội là của người lao động và doanh nghiệp đóng vào. Bô Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ là người giữ thay, căn cứ vào đâu để họ có quyền ra quy định như vậy. Vui lòng trả đủ cho người lao động số tiền họ đã đóng cộng lãi suất và trượt giá"
Một bạn đọc tên Trâm bày tỏ: "Thấy toàn đề xuất thu và giữ lại, còn chưa thấy tính dùm người lao động thất nghiệp ở lứa tuồi 45 thì 15 năm sau đó họ lấy gì để sinh sống. Tiền thì của mình nhưng mình lại không được quyền quyết định đồng tiền đó, vậy ra luôn quyết định chỉ được đóng không được nhận cho rồi khỏi nay đề xuất này mai đề xuất kia... thêm bực mình". Cùng suy nghĩ, bạn đọc Phúc Nguyễn cho rằng luật là luât, sao phải xử lý theo kiểu gọt chân cho vừa giày. Tiền của người lao động, phải trả đủ cho người lao động". Bạn đọc Nguyễn Thị Thủy thẳng thắn nêu quan điểm: " Không thể chấp nhận đề xuất này. Đó là tiền của chúng tôi , lấy một lần hay hưởng hưu trí là do chúng tôi quyết định chứ. Tại sao lại cắt 50% của chúng tôi. Thật vô lý".
Bạn đọc tên Hậu đặt vấn đề: "Tại sao NLĐ xin về 1 lần ???? Phải giải quyết được câu hỏi đó". Theo bạn đọc Nguyễn Phước Thành, tiền đóng bảo hiểm xã hội là tài sản tích góp nhiều năm của người lao động. Nếu muốn xã hội phát triển thì nên để người lao động tính toán và quyết định sử dụng tài sản của chính mình. "Nhiều người lao động chủ yếu đi làm vài năm để tích góp vốn làm ăn hoặc kinh doanh, nếu hạn chế cho người lao động rút như vậy chẳng khác nào khuyến khích họ chỉ đi làm thuê cả đời không có cơ hội phát triển" – bạn đọc này bức xúc.
Bạn đọc Quang Tran thì góp ý: "Tóm lại tiền bảo hiểm xã hội là tiền của người lao động dành dụm được trong quá trình làm việc! Tiền của họ họ muốn lãnh 1 lần hay để về hưu dưỡng già thì họ tự quyết định, nên khuyến khích họ chứ không nên áp đặt họ như vậy! Phải sòng phẳng với nhau mới đúng chứ!".
Bạn đọc Hứa Do thì viết: "50 % bị giữ lại sẽ được xử lý như thế nào? Ai quản lý quản lý theo luật, quy định nào? Dùng vào việc gì, như thế nào, ai giám sát Công khai, minh bạch ra sao… Không thấy Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đề cập mà chỉ nhăm nhăm "chặt" quyền hạn và quyền lợi của người lao động nhân danh việc lo lắng cho họ khi về già".
Nguyễn Tấn Tài cho rằng tiền đóng bảo hiểm xã hội là tiền của người lao động và người sử dụng lao động đóng hàng tháng cho người lao động. Nếu tính một năm lãnh 2 tháng lương cơ bản là đã bị thiệt thòi rồi. Vì 1 năm tiền đóng bảo hiểm xã hội hơn 2 tháng lương cơ bản mà. Rút 1 lần hay đợi hưu tùy điều kiện hoàn cảnh sức khỏe của người lao động họ sẽ cân nhắc chọn phương án phù hợp với họ.
Đặng Việt Anh nói thẳng: Tôi không đồng ý. Đây là tiền lương của người lao động và chi phí của doanh nghiệp. Là số tích lũy dự tính cho tương lai của người lao động, không phải khoản tiền nhận trợ cấp hoàn toàn từ nhà nước. Người lao động đã tuân thủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm theo quy định, vậy người lao động cần có quyền được hưởng đúng và đầy đủ số tiền bảo hiểm mà mình đã đóng.
Không phải giải pháp căn cơ
Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cho biết những quyền lợi đang có mà bị giảm đi thì đối tượng được thụ hưởng sẽ không đồng tình, bởi khi xây dựng chính sách thì phải tính toán trên cơ sở cân đối quỹ cũng như mức hưởng của người lao động căn cứ trên cơ sở đóng góp vào quỹ. Bà Ngân cho rằng khi thay đổi chính sách cần phải giải thích rõ ràng cho người đang thụ hưởng chính sách, vì sao thay đổi, ví dụ như căn cứ vào điều gì để cắt giảm 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần? Vì lý do cân đối quỹ nên phải cắt giảm hay vì bảo vệ quyền lợi lâu dài của người lao động?. Trong bối cảnh người lao động đang khó khăn như hiện nay thì đề xuất giảm đó có hợp lý hay không?. "Việc giải thích đó phải tạo được sự đồng thuận của các bên trước khi ban hành chính sách" - bà Ngân nêu quan điểm. Theo bà Ngân, đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội 1 lần của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội không phải là giải pháp triệt để, căn cơ nhằm ngăn chặn tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần của NLĐ, đồng thời cũng không giải quyết được tình trạng người lao động ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội.
Bình luận (0)