Theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau: - 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Mới đây, trong nội dung hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu, sau 1 năm nghỉ việc không tham gia bảo hiểm xã hội, và đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội bằng 1 tháng tiền lương bình quân tính đóng bảo hiểm xã hội. Xung quanh đề xuất này, Báo Người lao động tiếp tục nhận được nhiều ý của độc giả góp ý về vấn đề này.
Bạn đọc Nguyễn Văn Phúc bày tỏ: "Người lao động đa số lúc đi làm còn rất trẻ vì cuộc sống mà phải tha phương cầu thực. Phải xa nhà, xa quê hương, xa người thân, cố gắng làm việc củng chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, cái mà họ hy vọng nhất là lúc nghi việc còn được ít tiền bảo hiểm để có vốn làm ăn. Vậy nà giờ còn đòi cắt bớt của họ là sao? Làm vậy hỏi có ai muốn tham gia BHXH nữa không?"
Ban đọc Lê Quốc Khánh chia sẻ: "Tôi mong Quốc hội lắng nghe ý nguyện của người lao động để chúng tôi an tâm làm việc. Chứ luật cứ sửa đổi như vầy hoài thì sao yên tâm. Và biết tin vào ai. Tiền của chúng tôi và doanh nghiệp hỗ trợ thì nên để chúng tôi có quyền quyết . Vì cuộc sống hiện tại khó khăn nên chúng tôi mới muốn rút tiền để trang trải. Các nhà nghiên cứu chính sách có thử đặt vào trường hợp của chúng tôi chưa. Không tiền thì hơi đâu mà tính chuyện xa xôi. Rất mong quốc hội. Thủ tướng xem xét cho chúng tôi".
Đồng quan điểm, bạn đọc Thùy Dương bức xúc: Vật giá thì ngày leo thang, chi phí ngày càng đắt đỏ, làm kiếm từng đồng tiền chi tiêu đã vất vả để lo cuộc sống từ cái ăn mặc ở, mà tiền lương còn phải trích đóng các khoản bảo hiểm. Lúc đóng bảo hiểm thì nghĩ như gửi tiền tiết kiệm. Giờ không tăng mà lại giảm thì chẳng khác nào bị ăn chặn! Vậy đóng bảo hiểm làm gì? Bảo vệ người lao động khi tai nạn xảy ra, còn nếu lao động bình thường không nặng nhọc thì coi như bù trừ à? Chính vì những chính sách hạn chế quyền lợi mà đa số người lao động không đóng bảo hiểm là vậy! Nên đừng nói sao có nhiều lao động chui, doanh nghiệp không đóng bảo hiểm. Bảo hiểm xã hội trước giờ đối với người lao động không khác gì khoản tiết kiệm. Tiết kiệm được lãi, mà tiết kiệm bị lỗ thì ai đóng nữa".
Tương tự, bạn đọc Phạm Long góp ý: "Tiền BHXH giống như là tiền của người lao động gửi vào một ngân hàng chờ cất giúp. Nay khó khăn về kinh tế dịch dã hoành hành, người công nhân thất nghiệp không có cơm ăn, không đủ tiền đóng trọ thì họ rút cũng giống như rút khoản gửi. Vậy mà sao lại có chuyện không cho rút hết nhỉ" Đất nước còn đang phát triển thì số tiền rút đó rất có ích cho những cá nhân đầu tư vào những dự án mới nó cũng sẽ góp phần đẩy mạnh sự phát triển của đất nước. Chứ đâu thể bê nguyên mô hình của những nước phát triển mà không nhìn vào nội tại của đất nước ta được".
Theo bạn đọc Nguyễn Trung Quốc, việc tăng thời gian đóng bảo hiểm và tăng tuổi lao động để đóng bảo hiểm là quá thiệt thòi cho người lao động rồi. Luật phải thể hiện sự công bằng, trước sau như một. Luật đừng tạo nên sự bất công trong xã hội cho kẻ trước người sau. "Chúng ta đang chứng kiến những người về hưu sau và về hưu trước thì quyền lợi người lao động có giống nhau không? Người về hưu sau quá thiệt thòi, đóng thêm quá nhiều. Luật như vậy chưa đạt đến sự công bằng và hợp lý, chưa thể hiện được sự văn minh
Ở một góc nhìn nhân văn, bạn đọc tên Truyền bày tỏ: Theo tôi, để người mọi người đóng bảo hiểm đến tuổi hưu thì nên tăng tỉ lệ % số tiền lương hưu hàng tháng và rút ngắn tuổi nghỉ hưu...... Tăng tuổi nghỉ hưu chỉ dành cho cán bộ cấp cao, nhà khoa học, bác sĩ, kĩ sư giỏi, người tự nguyện kéo dài thời gian lao động, làm việc từ 7 đến 10 năm....
Tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội tự nguyện
Theo luật sư Đặng Anh Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, dịch bệnh càng diễn biến phức tạp thì số lao động mất việc sẽ gia tăng. Mất việc làm đồng nghĩa với việc người lao động không có thu nhập để bảo đảm cuộc sống, do vậy họ không có lựa chọn nào khác ngoài nhận BHXH một lần. "Chúng ta không thể trách người lao động trong trường hợp này bởi họ còn phải lo cho gia đình. Để hạn chế tình trạng người lao động nhận bảo hiểm xã hội có rất nhiều cách, trong đó có việc tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Thay vì chỉ có 2 chế độ như hiện nay (hưu trí và tử tuất), bảo hiểm xã hội nên mở rộng thêm các chế độ hưởng để người có nhu cầu mở rộng thêm quyền lợi được tham gia. Ngoài ra, có thể tích hợp thêm chính sách BHYT, để khi người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì có luôn thẻ BHYT" - ông Đức đề xuất.
Bình luận (0)