Theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau: - 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên mới đây, trong nội dung hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu, sau 1 năm nghỉ việc không tham gia bảo hiểm xã hội, và đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội bằng 1 tháng tiền lương bình quân tính đóng bảo hiểm xã hội. Xung quanh đề xuất này, Báo Người lao động tiếp tục nhận được nhiều ý của độc giả góp ý về vấn đề này.
Bạn đọc Trần Đình Hiệp bày tỏ bức xúc: Tiền bảo hiểm xã hội là khoản tiền của người lao động gửi vào quỹ bảo hiểm xã hội và ủy quyền cho cơ quan bảo hiểm xã hội sử dụng và chi trả lương hưu cho họ khi đủ điều kiện, chứ không phải tiền của cơ quan bảo hiểm xã hội ban phát mà muốn ban phát ra sao tùy ý. Chi trả cho người lao động sau khi tính toán trừ đi chi phái quản lý khi người lao động thanh lý hợp đồng là trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội. Họ quyền gì mà mặc cả %?". Theo bạn đọc Huỳnh Tấn Minh, việc thay đổi Luật Bảo hiểm xã hội phải tính yếu tố phát triển, tính lợi ích của người lao động, bảo đảm đời sống người lao động khi nghỉ việc, mất việc, nghỉ hưu sau khi người lao động đã cống hiến tuổi trẻ, có tham gia bảo hiểm xã hội. Tăng tuổi nghỉ hưu nên áp dụng cho những lao động trí thức, những người lãnh đạo cấp cao, còn những lao động bình thường nên giảm thời gian, vì đến tuổi hưởng lương hưu thì người lao động không biết hưởng được bao lâu".
Một bạn đọc tên Dung góp ý: Bảo hiểm xã hội là để khoản để hỗ trợ người lao động những lúc già cả, ốm đau, bệnh tật. Những người nghỉ việc thường có những lý do: không đủ sức khỏe, điều kiện, không người chăm con, công việc áp lực quá sức không làm nổi, lương không đủ sống, không có người chăm con nhỏ, chăm ba mẹ ốm đau bệnh tật, thiên tai, dịch bệnh hoặc cần tìm 1 công việc khác tốt hơn nhưng do những điều kiện như học vấn, tuổi tác, sức khỏe...nên họ không tìm được công việc khác để làm hoặc phải làm bên ngoài để tiện chứ không ai làm trong môi trường tốt, lương phù hợp, công việc ổn định và không vướng bận gia đình thì họ sẽ gắn bó với cồn việc của họ. Khi họ nghỉ mà không thể đi làm công ty lại được thì họ có lý do và họ cần tiền để trang trải cuộc sống, nuôi gia đình hoặc đầu tư vào công việc khác. Hoàn cảnh của những người công nhân đi làm trang trải qua ngày hết sức khó khăn, thực sự họ cần những đồng tiền mà họ tích góp để trang trải, chăm con, lo gia đình hoặc đầu tư vào một công việc khác. Vậy tại sao lại cắt giảm của họ những người lao động thực sự cần đến.
Bạn đọc Trần Anh Phú phản ứng khá gay gắt: Ai đưa ra đề xuất lãnh bảo hiểm xã hội 1 lần chỉ được 50%. Xin hỏi vị này có biết người lao động đổ mồ hôi, nước mắt để đóng bảo hiểm xã hội. Cùng góc nhìn, bạn đọc Hoàng Nam cho rằng các chính sách xã hội về người lao động phải phù hợp và lợi ích thiết thực cho người lao động tham gia. Khi được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, hưu trí phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Có như vậy mới thu hút được đông đảo các thành phần trong xã hội tham gia. Vì vậy những người làm luật nên đứng trên quan điểm của đại đa số người lao động trực tiếp mới thấu hiểu và thực tế hơn khi đề xuất và ban hành các quy định mới
Tránh gây ra phản ứng xã hội không tốt
Liên quan đến đề xuất này, Bộ Tư pháp cho rằng Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định cụ thể, chặt chẽ các trường hợp người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần (điều 60 và điều 77). Việc ban hành Nghị quyết 93/2015 của Quốc hội về sửa Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội trước đây chỉ mang tính chất tạm thời, xuất phát từ thực tế đời sống và nguyện vọng của người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có thời gian đóng ngắn, có nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần để trang trải cuộc sống trước mắt. Đồng thời, do việc triển khai công tác thông tin tuyên truyền, giải thích chính sách chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời nên người lao động chưa hiểu được ý nghĩa, mục đích của các quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đặc biệt là quy định về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần. "Việc thực hiện giải pháp này có thể dẫn đến mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần thấp hơn so với mức hưởng hiện nay. Do đó, để tránh gây ra những phản ứng xã hội không tốt như trường hợp Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động chính sách, nhất là về lộ trình giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần, tránh gây ra tâm lý hoang mang cho người lao động. Từ đó đề xuất giải pháp khả thi, hiệu quả, hợp lý…" - Bộ Tư pháp nhấn mạnh.
Bình luận (0)