Hành trình về với "Côn Đảo huyền thoại" do LĐLĐ quận Gò Vấp, TP HCM tổ chức vào cuối tuần qua tuy ngắn ngủi nhưng đã đem lại cho hơn 100 cán bộ Công đoàn (CĐ) những cảm xúc vô cùng đặc biệt. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 91 năm ngày thành lập tổ chức CĐ Việt Nam (28-7) và ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7).
Xúc động, tự hào
12 giờ 15 phút ngày 24-7, đoàn đặt chân đến với Côn Đảo tại cảng Bến Đầm. Bước xuống tàu, ai cũng choáng ngợp trước vẻ đẹp của khung cảnh trước mặt, bến cảng tấp nập tàu thuyền neo đậu nằm gọn giữa những dãy núi san sát, xanh ngắt một màu. Cảm xúc ấy kéo dài trên suốt đoạn đường từ cảng về trung tâm khi đoàn đi qua những bãi biển, những địa danh nổi tiếng tại vùng đất linh thiêng này.
Về đến trung tâm, do lịch trình khá dày nên ngay sau khi ăn trưa và nhận phòng, hơn 100 cán bộ CĐ đã khởi hành đến với những khu di tích lịch sử cách mạng. Điểm đến đầu tiên là hệ thống nhà tù Côn Đảo, nơi mệnh danh "địa ngục trần gian" đã khiến khoảng 20.000 người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ đã bị giam cầm, hy sinh.
Tại trại giam Phú Hải, Phú Tường, những hệ thống xà lim, chuồng cọp, gông cùm... để giam cầm, tra tấn tù nhân vẫn còn nguyên dấu tích khiến ai cũng phải rùng mình trước sự tàn bạo của kẻ thù. Trên hết, vượt qua tất cả sự dã man ấy là lòng kiên trung, bất khuất, không sợ hy sinh của các chiến sĩ cách mạng.
Cán bộ Công đoàn quận Gò Vấp, TP HCM tham quan tại khu chuồng cọp trại giam Phú Tường
Xúc động nhất có lẽ là khoảnh khắc cả đoàn len lỏi giữa những bức tường kiên cố và bước qua cánh cửa hẹp của nhà tù Phú Tường để vào thăm chuồng cọp, nhà tù bí ẩn khắc nghiệt, tàn bạo nhất. Trong chốn lao tù, người tù không chỉ mất tự do mà còn chịu nhục hình, đói khát, bệnh tật hành hạ ngày này qua ngày khác. Họ bị tra tấn cả thể xác lẫn tinh thần, không nước uống, bị rắc vôi bột, dội nước cho bỏng, lở loét da thịt.
"Để gây áp lực buộc kẻ thù phải ngừng ngay mọi sự tra tấn, nhất là đánh động cho dư luận thế giới biết sự thật về một "địa ngục" được tô hồng, những chiến sĩ cách mạng đã bàn nhau tự mổ bụng mình để phản đối. Dù biết phải hy sinh nhưng ai cũng chấp nhận vì họ biết rằng chỉ có hy sinh thì những người đồng đội, đồng chí, những người bạn tù của mình mới được đối xử tốt hơn" - giọng kể đầy cảm xúc của hướng dẫn viên về hành động tự mổ bụng để phản đối kẻ thù của người tù tại chuồng cọp khiến ai cũng lặng người trong cảm xúc căm hờn kẻ thù lẫn thán phục sự can trường của các chiến sĩ cách mạng.
"Cuộc chiến ấy đã ngừng, thời gian đã lùi xa nhưng những dấu tích lịch sử vẫn còn nguyên vẹn. Đến thăm nhà tù Côn Đảo, tôi vừa cảm thấy căm hận cách đối xử dã man của kẻ thù đối với tù chính trị vừa tự hào về cha ông ta đã kiên cường đấu tranh trong hoàn cảnh vô cùng khốn khó, những người anh hùng đã hy sinh xương máu để con cháu sau này có được cuộc sống tự do" - bà Lý Lệ Hà, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH May Việt Sang, tâm sự.
Động lực để phấn đấu
Khoảnh khắc xúc động nhất trong hành trình về vùng đất linh thiêng Côn Đảo là đoàn đến dâng hương đài tưởng niệm tại Nghĩa trang Hàng Dương. Đến với nơi yên nghỉ của hàng ngàn chiến sĩ cách mạng và người Việt Nam yêu nước qua nhiều thế hệ bị tù đày, tra tấn dã man, ai cũng cảm nhận được sự linh thiêng. Sau lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm, các cán bộ CĐ đã thắp hương tưởng nhớ các chiến sĩ cách mạng.
Ở đây bất kể ngày hay đêm luôn có người đến viếng thăm, tưởng niệm, thắp nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Trong đó, có phần mộ của nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Phần mộ của chị nằm ở trung tâm khu B nghĩa trang giữa hàng ngàn ngôi mộ. Tấm gương kiên trung của người con gái miền đất đỏ Võ Thị Sáu nay đã trở thành huyền thoại qua giọng kể truyền cảm của người hướng dẫn khiến không khí buổi viếng thêm linh thiêng. Với tấm lòng thành kính, các thành viên trong đoàn thắp hương, cầu nguyện trước vong linh của chị Sáu.
Xúc động khi lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất linh thiêng với nhiều dấu ấn lịch sử, chị Đặng Thị Hoàn, Chủ tịch CĐ Trường Mầm non Hương Sen, chia sẻ: "Sinh ra trong gia đình cách mạng nên tôi luôn muốn được đến với Côn Đảo. Trong suốt hành trình này, trong tôi chất chứa cảm xúc, đặc biệt là khi được viếng Nghĩa trang Hàng Dương. Ý chí hiên ngang bất khuất của vị nữ anh hùng trong những ngày lĩnh án tử tù, đến giây phút bước ra pháp trường vẫn ngẩng cao đầu kiêu hãnh khiến kẻ thù phải nghiêng mình kính phục sẽ luôn là niềm tự hào và là bài học về lòng dũng cảm, kiên cường cho các thế hệ kế thừa. Với tôi chuyến đi này rất ý nghĩa, tiếp thêm động lực để kiên định với lý tưởng của Đảng, để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình".
Cũng trong chuyến về nguồn lần này, ngoài viếng thăm các di tích lịch sử cách mạng, đoàn cán bộ CĐ quận Gò Vấp còn có nhiều hoạt động ý nghĩa khác như tặng 30 suất học bổng Nguyễn Đức Cảnh (1 triệu đồng/suất) cho con đoàn viên có tinh thần vượt khó vươn lên, tổ chức họp mặt, ôn lại truyền thống nhân dịp kỷ niệm 91 năm ngày thành lập tổ chức CĐ Việt Nam…
"Hành trình đến Côn Đảo để lại cho chúng tôi những cảm xúc khó quên và những bài học quý giá về niềm tin và sức mạnh, đó là động lực để cán bộ CĐ cống hiến hết sức mình trong công việc, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với bao xương máu cha anh đã đổ xuống cho sự nghiệp giải phóng quê hương" - ông Phạm Văn Tài, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp (TP HCM), nhấn mạnh.
Kết thúc hành trình 3 ngày 2 đêm, chúng tôi trở về đất liền, tạm biệt Côn Đảo, một phần máu thịt của non sông, đất nước…
Bình luận (0)