Dẫn chúng tôi đi dọc các lô cao su xanh tốt đang khai thác mủ, ông Lê Văn Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đồng Nai - Kratie (huyện Sambo, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia), cho biết nơi đây từng là vùng đất hoang sơ. Thế nhưng, nhờ công sức của lao động người Việt cũng như Campuchia, nơi đây trở thành vùng khai thác "vàng trắng" trù phú.
Ổn định việc làm, thu nhập
Công ty CP Cao su Đồng Nai - Kratie được thành lập năm 2008 với tổng vốn đầu tư 1.217 tỉ đồng. Ông Lâm kể vào thời điểm đó, điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn, đa số lao động người Việt đều chưa biết tiếng Khmer. Cơ sở vật chất thiếu thốn nên nhiều công nhân (CN) phải sinh hoạt trong các lán trại được cất tạm bằng cây rừng. Đường đất đỏ vào dự án nhiều đoạn bị hư hỏng nặng làm cho việc đi lại vô cùng khó khăn, nhất là vào mùa mưa.
Bất chấp khó khăn về phương tiện thông tin liên lạc và thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, 15 cán bộ và CN được cử sang Campuchia đã miệt mài khai hoang, trồng mới cao su trên vùng đất hoang sơ tại 2 xã O’Kreang và Roluos Meanchey (huyện Sambo, tỉnh Kratie, vương quốc Campuchia).
Đến nay, công ty đang quản lý 4.944 ha cao su, năng suất vườn cây đạt 1,64 tấn/ha/năm. Trong năm 2022, công ty khai thác 8.100 tấn mủ, đạt doanh thu 273 tỉ đồng. Hiện công ty có 915 lao động với thu nhập bình quân 8,2 triệu đồng/người/tháng, trong đó có 612 quản lý là người Việt, còn lại là CN người Campuchia.
Công nhân Công ty CP Cao su Đồng Nai - Kratie có thu nhập bình quận 8,2 triệu đồng/người/tháng
Không chỉ bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho CN, công ty còn xây dựng những khu nhà ở CN, xây dựng trạm y tế, siêu thị, hệ thống lọc nước hiện đại, trường mẫu giáo, trường tiểu học, có điện lưới sinh hoạt, điện thoại, sân bóng đá, sân bóng chuyền phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí. Công đoàn công ty còn tổ chức nhiều hoạt động thể dục, thể thao, văn nghệ và thăm hỏi các gia đình CN khó khăn nhân các ngày lễ, Tết truyền thống của người Khmer.
Trò chuyện với chúng tôi, vợ chồng anh Kean Thea (SN 1990) và chị Chin Hun (SN 1987), cho biết họ rất hài lòng với cuộc sống hiện tại. Trước đây, vợ chồng anh là lao động tự do, thu nhập không ổn định nên cuộc sống rất khó khăn. Vào công ty làm việc, ngoài thu nhập ổn định (9,2 triệu đồng/người/tháng), hai vợ chồng còn được bố trí chỗ ở, chăm sóc sức khỏe miễn phí. "Điều kiện sinh hoạt, ăn ở khá tốt nên chúng tôi an tâm gắn bó lâu dài. Vui nhất là con trai chúng tôi còn được học miễn phí tại trường tiểu học của công ty. Mong công ty ngày càng phát triển để đời sống CN tốt hơn" - chị Chin Hun bày tỏ.
Khó khăn không sờn lòng
Dẫn chúng tôi đến nhà lao động người Việt ở Campuchia, anh Nguyễn Văn Phương (SN 1988), Giám đốc Nông trường 2, cho hay với quy định chỉ có 10% chuyên gia người Việt được làm việc tại công ty nên đa số lao động người Việt hiện nay là quản lý. Có những người gắn bó với công ty ngay từ những ngày đầu khó khăn. Như anh Phương sang Campuchia làm việc từ năm 2011, sau khi công ty thành lập được 3 năm.
Có ông nội, ba mẹ đều làm trong ngành cao su nên hình ảnh cây cao su từ nhỏ đã quen thuộc với anh. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su (Bình Phước), anh Phương xung phong về làm việc tại Công ty CP Cao su Đồng Nai - Kratie. "Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên cao su non mới trồng chết rất nhiều. Chưa kể điều kiện sinh hoạt rất thiếu thốn nên không ít anh em nản chí. Thế nhưng, mọi người động viên nhau khắc phục khó khăn" - anh Phương nhớ lại. Từ cán bộ quản lý đến CN đều cố gắng hết sức làm tốt công việc được giao. Họ nâng niu từng cây con, chết cây nào thì lập tức trồng lại cây khác. Cứ thế, từng vườn cao su xanh ngát thành hình.
Tại ngôi làng của người Việt tại công ty, chúng tôi gặp anh Thạch Dù (SN 1986), quản lý nhà máy chế biến và chị Thạch Thị Hồng Tấn (SN 1992), quản lý trạm y tế và siêu thị của Công ty CP Cao su Đồng Nai - Kratie. Anh Dù là người Việt gốc Khmer, quê tại Trà Vinh. Năm 2010, tốt nghiệp Trường Đại học Trà Vinh, anh đăng ký qua tỉnh Kratie làm việc với công việc là nhân viên kỹ thuật vườn cây. Thấy công việc ổn định, anh đưa vợ sang làm cùng. Hiện mức lương quản lý của anh chị khoảng 16-18 triệu đồng/người/tháng. "Được bố trí nơi ở miễn phí và hỗ trợ 2 bữa ăn mỗi ngày nên mỗi tháng vợ chồng tôi có dư để gửi về Việt Nam cho ông bà ngoại nuôi con" - anh Dù cho hay.
Góp phần xóa đói giảm nghèo
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Công ty CP Cao su Đồng Nai - Kratie (2008 - 2023) mới đây, ông Yim Chhayly, Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của 16 công ty cao su thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam và tất cả công ty Việt Nam đầu tư trên lĩnh vực trồng cao su ở Campuchia. "Các công ty đã hợp tác rất chặt chẽ với Bộ Nông lâm và Ngư nghiệp, Bộ Môi trường và các cơ quan liên quan của Campuchia để đóng góp cho Chính phủ hoàng gia Campuchia trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân Campuchia" - ông Yim Chhayly khẳng định.
Bình luận (0)