Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết về cơ bản, dự thảo Luật (sửa đổi) không mở rộng phạm vi điều chỉnh, tuy nhiên dự án Luật đã bổ sung hình thức người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương để thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung đối tượng ký kết các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài là đơn vị sự nghiệp được Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương giao nhiệm vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định nhằm bảo đảm minh bạch và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; các điều kiện hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi giấy phép, về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài và bổ sung quy định về chuẩn bị nguồn lao động.
Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động công lập sẽ được quản lý bởi chính quyền tỉnh, TP trực thuộc Trung ương
Dự thảo luật cũng đã bổ sung các chính sách của Nhà nước như: chính sách hỗ trợ đối với NLĐ là đối tượng chính sách xã hội để học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ cho NLĐ đi làm việc ở những nước phát triển và có mức thu nhập cao trong một số ngành nghề, lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật mà trong nước có nhu cầu, phát triển nguồn nhân lực căn cứ theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và nước tiếp nhận NLĐ.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng sửa đổi các quy định về chi phí đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; các quy định liên quan đến quy định về quyền, nghĩa vụ của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bình luận (0)