Ở Việt Nam lĩnh vực hướng nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Thực chất, công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp ở Việt Nam mới dừng ở mức chỉ dẫn còn lĩnh vực tư vấn, tham vấn hướng nghiệp chưa phát triển, đặc biệt là với đối tượng sinh viên và học sinh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Thiếu đội ngũ chuyên gia, giáo viên về hướng nghiệp am hiểu về tâm lý học hướng nghiệp.
Toàn cảnh diễn đàn.
Diễn đàn đối thoại tập trung trao đổi các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp nhằm giúp thanh niên xác định hướng phát triển phù hợp với năng lực và điều kiện của bản thân; công tác giáo dục nghề nghiệp; góp phần nâng cao hiệu quả công tác phát triển nguồn nhân lực hiện nay.
Các đại biểu đã tập trung vào các vấn đề: Định hướng nghề nghiệp, thông tin thị trường lao động, giải quyết việc làm, chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Hầu hết các ý kiến đối thoại đều thẳng thắng và trực tiếp, liên quan đến những mong mỏi và bức xúc nhất của thanh niên Việt Nam hiện nay về vấn đề hướng nghiệp, học nghề, việc làm, vay vốn và hỗ trợ khởi nghiệp.
Chia sẻ tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thế Phương cho biết, đầu tư cho khởi nghiệp bao giờ cũng có rủi ro chứ không phải doanh nghiệp nào cũng thành công. Tuy nhiên, các bạn trẻ đừng quá lo lắng. Tới đây Chính phủ sẽ có nhiều sự hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung và thanh niên nói riêng. Cụ thể, Bộ KH-ĐT trình dự thảo nghị định quy định chi tiết về khởi nghiệp sáng tạo giúp khơi thông dòng vốn khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích thành lập quỹ đầu tư tạo dựng căn cứ pháp lý cho các địa phương hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo trên các địa phương. Bộ KH-ĐT cũng đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định tổ chức và hoạt động của quỹ phát triển DN nhỏ và vừa, quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DN nhỏ và vừa nhằm hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa bao gồm cả DN khởi nghiệp. Khi 2 Nghị định này được ban hành sẽ tạo động lực để DN thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp hơn nữa.
Giải đáp các thắc mắc tại diễn đàn, trong đó có công tác định hướng nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, việc phân luồng trên hiện nay đang mang tính cơ học. Nhìn chung, thanh niên có tâm lý là muốn học đại học. Nguyện vọng này là chính đáng, rất đúng và nên khuyến khích; nhưng nên dựa trên cơ sở khả năng, năng lực của mỗi người… Theo đó, hướng nghiệp tốt nhất là mỗi cá nhân phải tìm công việc phù hợp. Học đại học không phải là con đường duy nhất lập thân lập nghiệp. "Cụ thể, mới đây tôi có khảo sát tình hình học nghề tại TP Hồ Chí Minh và gặp nhiều trường hợp học sinh tốt nghiệp thủ khoa, thành tích học tập tốt, nhưng không học đại học mà học nghề hướng dẫn viên du lịch, nhà hàng khách sạn; đến nay đã có công việc ổn định và khẳng định đó là lựa chọn đúng", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm.
Trước thực trạng thất nghiệp của hơn 200.000 sinh viên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng để giải quyết vấn đề này, không chỉ cần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, mà còn phải nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Bộ LĐ-TB-XH đang tiến hành sắp xếp quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp và đổi mới phương thức đào tạo và xác định năm 2018 sẽ là một năm đột phá xong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Theo đề án sẽ có 3 đột phá trong giáo dục nghề nghiệp gồm: Tự chủ bộ máy, con người; tự chủ tài chính; kết nối doanh nghiệp. Bộ LĐ-TB-XH sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thực để xã hội coi học nghề là việc bình thường.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết, sắp tới ngoài đào tạo năng lực thực hiện cho người học, các trường từ trung cấp đến ĐH sẽ đào tạo kỹ năng mềm, trong đó có kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Tháng 10 vừa qua, Bộ LĐ-TB-XH và Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ phê duyệt quyết định đề án hỗ trợ khởi nghiệp cho HS-SV với mục tiêu: thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên; đào tạo bồi dưỡng kiến thức kỹ năng khởi nghiệp; tạo môi trường thúc đẩy ý tưởng các dự án khởi nghiệp.
Mục tiêu đề án đặt ra đến năm 2020, các trường CĐ, ĐH, trung cấp 100% các trường phải có kế hoạch hỗ trợ SV khởi nghiệp; 90% các trường sẽ có kế hoạch cụ thể đào tạo bồi dưỡng kiến thức kỹ năng khởi nghiệp; 70% các trường ĐH và 50% các trường trung cấp phát triển và hiện thực hóa 2 dự án khởi nghiệp. Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng kế hoạch trong tháng 12 sẽ triển khai. Song song với hoàn thiện giáo trình khởi nghiệp, trong thời gian tới sẽ quan tâm đến đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy khởi nghiệp.
Bình luận (0)