“Năm 2015, phòng kỹ thuật đề ra chỉ tiêu tiết kiệm ít nhất 3% điện năng tiêu thụ của siêu thị và giảm thiểu sự cố. Vì vậy, tôi đang ấp ủ nhiều dự tính, trong đó ưu tiên cải tạo hệ thống đèn chiếu sáng và quảng cáo bên ngoài siêu thị bằng cách sử dụng đèn chữ U hoặc đèn LED thay cho đèn cao áp… Đó không phải ý tưởng sáng tạo gì lớn nhưng tôi cho rằng tiết kiệm phải bắt đầu từ những việc nhỏ, từ đó tích cóp để mang lại lợi ích lớn” - anh Trần Văn Thạnh, trợ lý của trưởng Bộ phận Kỹ thuật siêu thị Big C Gò Vấp (quận Gò Vấp, TP HCM), chia sẻ về những dự định mới trong công việc.
Ý tưởng nhỏ, làm lợi lớn
Tại siêu thị Big C Gò Vấp, bộ phận kỹ thuật luôn là tập thể đi đầu trong phong trào “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” và anh Thạnh, dù tuổi đời còn trẻ (SN 1988) đã được xem là thủ lĩnh. Sáu năm làm việc tại Big C Gò Vấp, anh đã khẳng định chỗ đứng của mình bằng hàng loạt ý tưởng sáng tạo giúp siêu thị tiết kiệm hàng trăm triệu đồng. Điển hình như ý tưởng chuyển đổi việc vận hành tủ điện từ chế độ bằng tay sang chế độ tự động; cải tạo lại hệ thống thoát nước và chống ngập bằng cách đặt lưới chặn rác tại các bồn rửa tay; thiết kế thùng nhiều vách ngăn nhằm tách mỡ, rác ở từng khu vực, từ đó hạn chế lượng chất thải xuống hầm xử lý.
Ý tưởng anh Thạnh tâm đắc nhất là việc thay đổi vận hành hệ thống đông lạnh thực phẩm. Trước đây, hệ thống luôn chạy tự động (chạy 4 giờ, rã đông 45 phút) kể cả giờ cao điểm nên tiêu hao điện rất lớn. Từ thực tế ấy, anh đã điều chỉnh thời gian vận hành bằng cách cho máy chạy vào giờ thấp điểm và nghỉ rã đông vào giờ cao điểm. Ý tưởng đơn giản này của anh đã giúp siêu thị tiết kiệm hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Linh hoạt vận dụng công nghệ, làm việc sáng tạo và không rập khuôn là những tố chất giúp anh Thạnh khẳng định uy tín và năng lực chuyên môn, được đồng nghiệp và ban giám đốc tín nhiệm. Chỉ sau 2 năm làm việc, từ một nhân viên kỹ thuật, anh Thạnh được ban lãnh đạo siêu thị cất nhắc lên làm trợ lý của trưởng bộ phận kỹ thuật (tương đương phó phòng). Dù vậy, với những việc đã làm được, anh chỉ đơn giản cho rằng đó là trách nhiệm của mình. “Nói sáng tạo chi cho to tát, tôi chỉ nghĩ đơn giản đó là trách nhiệm của mình và tự nhủ phải hoàn thành thật tốt công việc được giao” - anh Thạnh chia sẻ.
Tấm gương cho thợ trẻ
Vào làm việc tại siêu thị Big C Gò Vấp sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (chuyên ngành điện tử công nghiệp) năm 2009, chưa có bất kỳ kinh nghiệm thực tế nào nên để đạt được thành quả như hôm nay, anh Thạnh đã phải trải qua quá trình rèn luyện rất vất vả. Để sớm tiếp cận với công việc, anh luôn chịu khó học hỏi từ những đồng nghiệp đi trước. Đồng nghiệp ở siêu thị quý anh còn ở sự nhiệt huyết với công việc. Khi siêu thị gặp sự cố thì bất kể ngày hay đêm, anh đều có mặt cùng anh em xử lý đến cùng. “Có những lúc đang ngồi ăn cơm thì nhận tin báo cúp điện hay có sự cố kỹ thuật, anh em chúng tôi chấp nhận bỏ bữa bởi siêu thị không thể gián đoạn hoạt động” - anh Thạnh kể lại.
Học mọi lúc mọi nơi là suy nghĩ thường trực của anh Thạnh. Không chỉ chịu khó chắt lọc kinh nghiệm từ thực tế công việc, anh còn dày công tham khảo tài liệu trên internet để cập nhật kiến thức và tiếp cận công nghệ mới. Mỗi khi đi đâu, anh đều tỉ mỉ quan sát cách các tòa nhà, trung tâm thương mại, siêu thị… bố trí, lắp đặt hệ thống máy móc để học hỏi, từ đó đúc kết kinh nghiệm cho riêng mình. Nhiều ý tưởng độc đáo của anh xuất phát từ sự cần mẫn ấy.
Không hài lòng với kiến thức có được và để làm gương cho thợ trẻ, năm 2010, anh Thạnh tiếp tục học lên cao đẳng. Đó cũng là quãng thời gian vất vả nhất của anh bởi vừa phải đi học vừa phải đi làm. Dù ngày nào cũng nửa đêm mới về đến nhà nhưng anh luôn kiên trì theo đuổi việc học. Hiện nay, anh đang lên kế hoạch để học tiếp lên đại học.
“Tôi đánh giá cao khả năng sáng tạo, sự nhạy bén và phong cách làm việc khoa học của Thạnh. Ý thức được trách nhiệm, có uy tín với anh em trong tổ, anh Thạnh hội đủ điều kiện để trở thành một quản lý giỏi” - ông Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng Bộ phận Kỹ thuật siêu thị Big C Gò Vấp, khẳng định.
Bình luận (0)