Nhắc đến nghệ nhân Nguyễn Hữu Tư Nghĩa, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng Công ty CP Vàng bạc Đá quý Bến Thành, giới chế tác nữ trang tại TP HCM đều dành cho ông sự nể trọng. Gắn bó với nghề hơn 40 năm, ông đã cho ra đời hàng chục bộ trang sức thuần Việt độc đáo, gây ấn tượng với du khách trong và ngoài nước tại các festival ngành nghề truyền thống.
Ông nội và cha của nghệ nhân Nghĩa là thợ bạc trứ danh ở vùng đất Bà Điểm, Hóc Môn, TP HCM. Tiệm vàng Kim Cau, nơi ông nội ông khởi nghiệp, thường xuyên là địa điểm lui tới của khách thập phương bởi chất lượng và mẫu mã đẹp. Lẽ ra được truyền nghề từ cha song Tư Nghĩa mất cha từ khi còn trong bụng mẹ và đó là thiệt thòi rất lớn của ông.
Quyết định theo học ngành nguội dụng cụ tại Trường Công nhân Kỹ thuật 4 sau khi tốt nghiệp cấp 3, Nghĩa mong muốn nối nghiệp cha để tiếp tục làm rạng danh gia đình. Vốn sáng dạ lại chịu khó và khéo tay nên Nghĩa luôn được các thầy ở trường yêu thương, tận tình dìu dắt và truyền đạt kiến thức. Chưa hài lòng với những gì tiếp thu được ở trường, hết giờ học, Nghĩa đạp xe đến nhà ông Mười Chương - một nghệ nhân nổi tiếng, học trò của ông nội lúc trước - học thêm nghề thợ bạc. Được thọ giáo bậc thầy trong nghề và chú tâm học hỏi kinh nghiệm từ các thợ đàn anh nên Nghĩa tiến bộ rất nhanh. Quý cậu học chịu khó nên ông Mười Chương không ngần ngại chỉ vẽ thêm, nhờ vậy mà Nghĩa sớm hoàn thiện các kỹ năng cơ bản của nghề.
Ra trường, ông Nghĩa đã tích lũy cho mình vốn kiến thức lẫn kỹ năng nghề vững vàng. Khi chính thức quản lý tiệm vàng Kim Cau, ông rất hạnh phúc và xem đó là cơ hội để khôi phục nghề truyền thống của gia đình. Thế nhưng, sau vài năm hành nghề, ông phát hiện tay nghề mình có dấu hiệu chững lại. Sản phẩm làm ra thường đi vào lối mòn, thể hiện sự đơn điệu và đó cũng là lý do khiến tiệm vắng khách. Thế là ông quyết định phải có một hướng đi mới.
Đầu quân cho Công ty Vàng bạc Đá quý quận 1 (tiền thân của Công ty CP Vàng bạc Đá quý Bến Thành) năm 1988 có lẽ là quyết định sáng suốt nhất trong đời ông Nghĩa. Ở môi trường mới, được tiếp cận công nghệ, máy móc hiện đại và tiếp xúc những thợ bậc cao, tay nghề ông thăng tiến vượt bậc. Năm 2007, tại Festival ngành nghề truyền thống diễn ra ở Huế, 20 bộ nữ trang thuần Việt, mang đậm bản sắc dân tộc độc đáo do ông Nghĩa chế tác đã gây ấn tượng mạnh với du khách. Trong đó, bộ nữ trang “Vươn lên” lấy ý tưởng từ những họa tiết trên chiếc trống đồng Ngọc Lũ. Hình tượng hai con chim Lạc được thiết kế hết sức khéo léo, tinh tế, bay lên theo hình chữ V (Việt Nam) không chỉ tôn vinh giá trị văn hóa Việt mà còn khẳng định khát khao vươn lên của một dân tộc bất khuất. Bộ nữ trang dù có tên gọi mộc mạc “Trầu Cau” nhưng chế tác rất tinh xảo, lấy ý tưởng từ mười tám thôn vườn trầu quê ông, gợi nhớ tình yêu quê hương, đất nước...
Với những bộ sản phẩm độc đáo như thế, ông Nghĩa liên tục đoạt giải thưởng cao tại các hội thi thiết kế chế tác trang sức Việt Nam do Hội đồng Vàng Thế giới, Hội Kim hoàn Đá quý TP HCM và Công ty SJC tổ chức.
Gắn bó gần 30 năm với Công ty CP Vàng bạc Đá quý Bến Thành, dù ở cương vị nào ông Nghĩa vẫn dành trọn tâm huyết với thợ trẻ. Gặp khó khăn gì, họ chỉ cần ới một tiếng là ông có mặt mà không nề hà giờ giấc. Cánh thợ trẻ quý ông Nghĩa bởi ông không chỉ là chỗ dựa tinh thần mà còn là tấm gương về ý thức tự học, tự rèn.
Ở tuổi 53, dù không còn trẻ song điều đáng quý là ông Nghĩa vẫn hun đúc cho mình đam mê sáng tạo mãnh liệt, là đầu tàu sáng kiến ở công ty. Một trong những sáng kiến đình đám của ông là hoàn thiện công thức chế vãi hàn (hợp kim có hàm lượng tương đương nữ trang). Ngoài ra, ông còn là chủ nhân của hàng loạt sáng kiến khác như: khôi phục hoạt động máy xịt rửa cao áp; dùng phụ gia kết hợp với Epoxy để phủ bạc sản phẩm nữ trang, sửa chữa nhanh bộ phận detector máy đo quang phổ...
Bình luận (0)