Là đại diện cho doanh nghiệp (DN) phái cử lao động, ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai, đã chia sẻ như vậy tại hội thảo trực tuyến "Hợp tác liên kết trong lĩnh vực ngân hàng Nhật Bản và nguồn nhân lực tại Việt Nam" vừa được tổ chức. Theo ông Sơn, hiện nay có khoảng hơn 400.000 người Việt Nam đang làm việc tại Nhật và hằng năm số lao động trẻ Việt Nam đến Nhật đều tăng cao. Rất nhiều DN vừa và nhỏ tại Nhật Bản đang tiếp nhận nguồn nhân lực từ Việt Nam.
Nâng tầm doanh nghiệp phái cử
Theo ông Sơn, việc Nhật Bản tạo nguồn lao động từ nước ngoài là cần thiết nhưng nếu chỉ vì lý do thiếu hụt nhân lực là một điều hết sức phí phạm.
Với lao động Việt Nam, nguồn thu nhập sẽ cao khi đến Nhật trong độ tuổi từ 20 đến 25, do đó nhiều bạn trẻ không suy nghĩ thấu đáo về tương lai xa mà chỉ nghĩ là có việc làm, lương cao. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận thanh niên Việt Nam đặt mục tiêu rõ ràng, đến Nhật học tập và tích lũy kinh nghiệm 3 năm, 5 năm, 10 năm rồi trở về Việt Nam tạo dựng sự nghiệp. Nhiều người trong số này đã trở thành những nhà quản lý, nhân sự cấp cao, giám đốc ở các DN Nhật Bản tại Việt Nam và cống hiến nhiều cho công cuộc mở rộng quy mô DN tại Việt Nam cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm.
Để có được thành quả như vậy không hề đơn giản, đặt ra cho các DN phái cử lao động phải có chiến lược đào tạo nhân lực vững vàng trước khi đưa lao động sang Nhật Bản. DN phái cử phải định hướng con đường phát triển bản thân cho người lao động (NLĐ) trước khi đến Nhật và tạo điều kiện cho họ có được nền tảng học tập vững chắc về tiếng Nhật, văn hóa Nhật với mục tiêu ý chí cao độ là một việc làm hết sức quan trọng.
Lao động trẻ cần có lộ trình cho sự nghiệp của mình trước khi ra nước ngoài làm việc
"DN chúng tôi trong 15 năm qua đã và đang phát triển sự nghiệp đào tạo theo định hướng nói trên với tư cách một cơ quan giáo dục. Chúng tôi đã tuyển dụng nguồn nhân lực có triển vọng dựa trên đánh giá học lực để tổ chức đào tạo tiếng Nhật, văn hóa Nhật, định hướng sự nghiệp, đã phái cử hơn 10.000 lao động trẻ đến các DN Nhật Bản. Điều chúng tôi hướng đến không phải là số lượng mà là chất lượng của từng lao động để làm sao họ có được một sự nghiệp vững chắc" - ông Sơn nói.
Đồng quan điểm, ông Đinh Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động Mai Linh, cho rằng các DN phái cử lao động cần nâng tầm chất lượng từ khâu tuyển chọn, đào tạo đến việc định hướng nghề nghiệp và kết nối đúng người, đúng việc cho NLĐ có mong muốn ra nước ngoài làm việc. "Việc tuyển chọn đầu vào rất quan trọng bởi nó quyết định sự thành công của đơn hàng. Nhưng không dừng lại ở đó, NLĐ cần được định hướng ngay từ đầu để họ có lộ trình cho tương lai của mình. Họ phải biết trước những thứ cần biết để phát triển sự nghiệp ngay từ khi bước vào học tiếng. Có như vậy, DN phái cử mới có được những lao động chất lượng cao để từ đó kết nối sâu rộng với các DN Nhật Bản xuyên suốt quá trình phát triển sự nghiệp của NLĐ" - ông Bình chia sẻ.
Tư duy mới
Theo ông Trần Anh Quang Thanh - Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực PITSCO tại TP HCM, NLĐ sang Nhật làm việc nếu có thể vận dụng vốn tiếng Nhật tốt và ý chí quyết tâm cao để học hỏi kiến thức, công việc từ cơ bản đến phức tạp, trang bị cho mình những kỹ năng cao cấp thì họ hoàn toàn có thể trở thành lực lượng chủ chốt khi các DN Nhật mở rộng kinh doanh sang Việt Nam. "Khi tuyển dụng nguồn nhân lực nước ngoài, DN Nhật Bản cần lưu tâm đến cả quá trình phát triển của NLĐ cho chiến lược phát triển của mình. Các DN Nhật có thể thực hiện công tác đào tạo nhân lực hướng đến những vị trí quản lý trong tương lai thông qua kinh nghiệm làm việc tại Nhật để NLĐ suy nghĩ chín chắn về sự nghiệp, chứ không đơn giản chỉ cho họ làm những công việc giản đơn. Vấn đề các DN Nhật Bản cần lưu tâm là phải phối hợp với cơ quan nào, tuyển dụng nhân lực và thiết kế cho NLĐ con đường sự nghiệp ra sao ngay khi nguồn lao động này còn ở Việt Nam" - ông Thanh nhấn mạnh.
Là thực tập sinh (TTS) ngành cơ khí về nước đã được 3 năm, anh Lê Văn Mãi (29 tuổi, quê Đồng Tháp) hiện giữ chức trưởng phòng thành phẩm một công ty liên doanh cơ khí tại KCN Tân Bình, TP HCM. Anh Mãi cho biết trước khi quyết định sang Nhật làm TTS, anh đã tìm hiểu rất kỹ các thông tin và trực tiếp hỏi thăm những TTS trở về từ Nhật Bản để có định hướng cho bản thân. Nhờ một DN phái cử có uy tín tư vấn, anh đã thực hiện được ước mơ của mình một cách suôn sẻ.
"Mục tiêu của tôi trước khi sang Nhật không chỉ là làm kiếm tiền mà còn là học hỏi và phát triển sự nghiệp. Tôi may mắn được thực tập trong một DN có chi nhánh tại Việt Nam nên mọi thứ khá thuận lợi. Nhận thấy quyết tâm học nghề và khả năng tiếng Nhật của tôi nên ông chủ đã quan tâm, tạo điều kiện để tôi tham gia sâu hơn vào các khâu sản xuất thành phẩm. Hết thời hạn về nước, tôi được mời vào làm việc tại DN mà mình đã từng thực tập tại Nhật Bản" - anh Mãi nói.
Bình luận (0)