Đi dọc các tuyến đường số 5, Trần Thanh Mại, Lê Đình Cẩn… quận Bình Tân, TP HCM - nơi được ví như "thủ phủ phòng trọ" dành cho công nhân (CN), chúng tôi chứng kiến sự vắng vẻ lạ thường. Tại nhiều khu trọ, các tấm biển treo "còn phòng", "cho thuê trọ"... đã bạc màu theo thời gian.
"Công nhân trả phòng mà rầu..."
Đó là tâm sự của bà Nguyễn Thị Huệ, chủ một khu nhà trọ ở hẻm 155/23 Lê Đình Cẩn, phường Tân Tạo. Bà Huệ là một trong những người tiên phong xây nhà trọ cho CN thuê trên địa bàn quận. Từ 25 phòng ban đầu, hiện khu trọ đã có 130 phòng, mỗi phòng có diện tích từ 15-25 m2, với giá thuê từ 1 - 1,1 triệu đồng/tháng.
Xem CN như người nhà nên bà Huệ ít khi tăng giá cho thuê, thậm chí còn tận tình giúp đỡ họ khi khó khăn. Cũng vì quý bà Huệ nên rất ít CN rời đi. Sau dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn cắt giảm lao động thì nhiều CN lũ lượt trả phòng về quê do không tìm được việc làm mới, chủ yếu là CN lớn tuổi. Từ chỗ luôn kín phòng, hiện khu nhà trọ của bà Huệ còn trống 15 phòng. Do không có người ở nên các phòng trọ xuống cấp, ẩm mốc, bà Huệ và các con phải thay phiên đến dọn dẹp, mở cửa cho thông thoáng.
Dù liên tục được cải tạo nhưng khu trọ của gia đình ông Phan Văn Hùng (1104/7A Tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo) mấy tháng nay lúc nào cũng còn phòng trống. Dãy trọ có khoảng 75 phòng, trong đó 40% là CN Công ty TNHH PouYuen Việt Nam. Giá thuê mỗi phòng dao động từ 900.000 đồng đến 1,3 triệu đồng/tháng và được duy trì suốt hơn 10 năm. Để CN có cuộc sống thoải mái hơn, ông Hùng thường xuyên sửa chữa, nâng cấp phòng trọ.
Do vậy, khu trọ luôn kín phòng. Thế nhưng từ năm 2022 đến nay, khi Công ty TNHH PouYuen Việt Nam cắt giảm lao động, nhiều CN ở khu nhà trọ rơi vào cảnh mất việc làm. Không có việc làm nên nhiều CN không thể trụ nổi ở thành phố, buộc phải trả phòng về quê. Hiện khu nhà trọ của ông Hùng còn 20 phòng trống.
Không riêng 2 khu trọ trên, tình trạng ế ẩm cũng diễn ra ở nhiều khu trọ khác trên địa bàn quận Bình Tân, nhất là khu vực gần Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, KCN Tân Tạo, do có số lao động mất việc lớn.
Một khu trọ trên đường Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM được xây dựng sạch, đẹp nhưng vẫn còn phòng trống. Ảnh: THANH NGA
Chủ trọ chật vật xoay xở
Ông Lê Quốc Thịnh, Phó Chỉ huy trưởng Chỉ huy Quân sự phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức, TP HCM) kiêm quản lý Tổ CN tự quản phường, cho biết rất nhiều lao động về quê, trả phòng. Tình trạng trống phòng tại các khu nhà trọ khoảng 10%-30%, chủ yếu ở khu vực gần KCX Linh Trung II, KCN Bình Chiểu và giáp ranh KCN Đồng An (tỉnh Bình Dương). Nguyên nhân là do người lao động thiếu việc, mất việc nhiều nên không kham nổi chi phí sinh hoạt.
Ông Nguyễn Văn Đỏ - chủ khu nhà trọ số 1.367/1 Tỉnh lộ 43, phường Bình Chiểu - cho biết tình trạng ế ẩm xuất hiện từ sau dịch COVID-19 và hơn 1 năm nay diễn ra trên diện rộng, nhất là khi DN gặp khó khăn về đơn hàng. Khu trọ nhà ông Đỏ có 34 phòng thì đã có gần một nửa để không do không ai thuê. "Kinh tế gia đình nhiều năm nay phụ thuộc vào dãy nhà trọ. Thế nhưng, việc CN trả phòng quá nhiều khiến chúng tôi điêu đứng" - ông Đỏ than thở.
Tại quận 8, TP HCM, trước đây, các khu nhà trọ trên đường An Dương Vương đều trong tình trạng "cháy phòng". Thế nhưng, kể từ khi các DN đóng trên khu vực này như Công ty TNHH Tỷ Hùng, Công ty TNHH 3Q Vina, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Nhựa Chợ Lớn, Công ty TNHH Việt Giai Thành... khó khăn về đơn hàng kéo dài và cắt giảm số lượng lớn lao động thì các khu trọ rơi vào cảnh vắng vẻ.
Khu trọ số 7 trên đường An Dương Vương, phường 16, quận 8, do bà Nguyễn Thị Mỹ Châu làm chủ, là ví dụ. Khu nhà trọ được xây dựng từ năm 2005, với 180 phòng, nhiều năm qua giá thuê luôn ổn định từ 1 - 1,5 triệu đồng/tháng. Phòng trọ thường xuyên được sửa sang nên nhiều CN đến thuê. Lúc cao điểm, người thuê phòng chật kín. Muốn thuê phải dặn trước 2-3 tháng, thậm chí đặt cọc trước để chờ có phòng trống dọn vào.
Nhiều năm làm dịch vụ cho thuê phòng trọ, bà Châu cho hay chưa lúc nào ế ẩm như lúc này. "Sau dịch COVID-19, lượng khách trọ thuê phòng vơi đi 1/3, kể từ sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay chỉ còn hơn một nửa. Nhiều trường hợp CN thất nghiệp dọn đi không trả nổi tiền phòng, thấy họ quá khó khăn nên tôi chỉ thu tiền điện, nước" - bà Châu nói.
Xoay xở đủ cách
Trước tình trạng vắng người thuê, nhiều chủ trọ chấp nhận giảm giá từ 20% - 30% cho mỗi phòng để hút khách. Thậm chí, không cần đặt cọc 1-2 tháng như trước đây để CN đỡ áp lực. Thế nhưng biện pháp này không giải quyết được gì, nhất là trong bối cảnh việc làm của CN còn bấp bênh. Một số chủ trọ chuyển hướng kinh doanh, nâng cấp phòng trọ khang trang hơn, lắp đặt thêm nhiều tiện ích như wifi, khu vực để xe riêng nhằm thu hút những khách có thu nhập cao đến thuê. Bà Nguyễn Thị Nhung, một chủ nhà trọ trên đường Hồ Học Lãm (phường 16, quận 8), cho hay trước đây bà có thể sống khỏe nhờ cho thuê phòng trọ và bán tạp hóa thì nay phải làm thêm nhiều việc khác. "Trước tình trạng phòng trọ ế ẩm, mấy tháng hè, tôi phải nhận giữ con cho CN để có đồng vô đồng ra. Sắp tới, tôi dự định nhận hàng về may gia công để vượt qua khó khăn trước mắt" - bà Nhung cho biết.
Bình luận (0)