Sau hơn 1 năm đóng tiền cho Công ty TNHH TH Nhân lực quốc tế Study and Travel và Chi nhánh Công ty TNHH Du học Du lịch Âu Mỹ Úc (trụ sở tại thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) để sang Canada xuất khẩu lao động (XKLĐ), hàng chục lao động đã tá hỏa khi đến giờ chưa có lịch bay. Trong khi đó, trụ sở công ty môi giới XKLĐ thì đóng cửa, giám đốc công ty "biệt vô âm tín".
Tiền mất, không đi làm việc được
Anh Nguyễn Văn Thịnh (31 tuổi, ở thôn Tú Loan 3, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch) là một trong hàng chục lao động ở Quảng Bình bị Công ty TNHH TH Nhân lực quốc tế Study and Travel chiếm dụng tiền trái phép.
Năm 2019, qua giới thiệu của bạn bè, anh được biết có nhu cầu tuyển dụng đưa lao động sang Canada làm việc với mức thu nhập cao và ổn định. Tháng 5-2020, anh Thịnh quyết định làm hồ sơ và nộp tại văn phòng công ty này. Lãnh đạo công ty cam kết sau khi xuất cảnh sang Canada, anh Thịnh sẽ được bố trí làm nghề trồng nấm trong thời gian 2 năm, sau đó có thể gia hạn thêm 1 năm, với mức thu nhập từ 60-70 triệu đồng/tháng. Thấy mức thu nhập hấp dẫn, anh Thịnh về bàn với vợ thế chấp sổ đỏ vào ngân hàng 300 triệu đồng; bán thêm mảnh vườn hơn 200 triệu đồng rồi nộp cho công ty số tiền ban đầu 5.500 USD; số còn lại anh giữ làm lộ phí đi lại... chờ lịch bay. "Phía công ty hứa hẹn đến ngày 15-8-2020 nếu tôi không có visa thì sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền như cam kết. Thế nhưng hết lần này đến lần khác, họ viện cớ do dịch Covid-19 để liên tục trì hoãn. Từ Tết nguyên đán 2021 đến nay, tôi đã nhiều lần đến văn phòng công ty đề nghị giải quyết nhưng họ luôn hứa hẹn" - anh Thịnh chua xót.
Anh Nguyễn Văn Thịnh đã đóng 5.500 USD cho Công ty TNHH TH Nhân lực quốc tế Study and Travel đến giờ vẫn chưa đòi được lại tiền
Tương tự là trường hợp của vợ chồng anh Nguyễn Văn Quyền (25 tuổi) và chị Đào Thị Nguyệt (25 tuổi; ngụ phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn). Trong năm 2019, với mong muốn được sang Canada làm việc có thu nhập cao bằng hình thức XKLĐ, qua lời giới thiệu, vợ chồng anh đã đến Chi nhánh Công ty TNHH Du học Du lịch Âu Mỹ Úc làm các hồ sơ thủ tục và nộp số tiền ban đầu là 260 triệu đồng. Sau khi nộp tiền và làm hồ sơ XKLĐ, vợ chồng anh Quyền và nhiều người khác được công ty bố trí học tiếng Anh, tổ chức ra Hà Nội lăn tay làm visa, đồng thời hẹn xuất cảnh 4-5 lần, nhưng đến nay vẫn chưa có lịch bay. "Thấy công ty không thực hiện đúng cam kết, tôi đến đòi lại tiền nhưng họ lấy lý do dịch Covid-19 nên không đưa được người đi XKLĐ. Sau đó đòi mãi thì công ty mới trả lại 50 triệu đồng, số còn lại không biết khi nào nhận được" - chị Nguyệt buồn bã.
Ngoài các trường hợp nói trên, còn có hàng chục lao động khác đến từ nhiều địa phương của huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, huyện Bố Trạch. Thậm chí có nhiều lao động đến từ tỉnh Thừa Thiên - Huế, TP HCM và các tỉnh, thành khác cũng đã nộp với số tiền lên đến hàng tỉ đồng cho Chi nhánh Công ty TNHH Du học Du lịch Âu Mỹ Úc và Công ty TNHH TH Nhân lực quốc tế Study and Travel.
Điều tra dấu hiệu lừa đảo
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, Công ty TNHH TH Nhân lực quốc tế Study and Travel hoạt động từ năm 2019, đại diện pháp luật là ông Hoàng Minh Duy (SN 1983). Ngoài ra, ông Duy còn là trưởng phòng của Chi nhánh Công ty TNHH Du học Du lịch Âu Mỹ Úc, người quản lý là bà Phạm Thị Đăng Hải (SN 1985, vợ ông Duy). Hai công ty này đều có chung địa chỉ tại số 326 Quang Trung, thị xã Ba Đồn.
Chúng tôi tìm tới trụ sở văn phòng của 2 công ty này nhưng nơi đây cửa đóng then cài, phóng viên thử liên lạc với bà Phạm Thị Đăng Hải qua điện thoại nhưng bà này không bắt máy. Nhiều người xung quanh cho biết 2 công ty này thuê trụ sở để hoạt động đã lâu và đã đóng cửa từ đầu năm 2001 đến nay. Nhiều nguồn tin cho biết ông Duy và bà Hải đã rời khỏi địa phương. Trong đó, ông Duy xuất cảnh đi nước ngoài, còn bà Hải hiện vẫn đang "mất tích" dù thi thoảng các lao động gọi điện thoại, máy vẫn đổ chuông, có lúc nghe rồi lại hứa nhưng sau đó thì... mất hút. Hiện hàng chục nạn nhân ôm "trái đắng" XKLĐ đã làm đơn tố cáo đến cơ quan công an đề nghị làm rõ sự việc.
"Gia đình đã phải vay mượn ngân hàng hơn 200 triệu đồng để lo cho tôi đi Canada nhưng giờ bị lừa. Tôi đã nộp 5.500 USD cho họ, tiền chi phí đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ cũng hơn 100 triệu đồng; giờ tôi phải làm phụ hồ để kiếm sống qua ngày" - anh Phạm Minh Đức (31 tuổi, ở xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn) bức xúc.
Trao đổi với phóng viên, thượng tá Lê Văn Hóa, Trưởng Công an thị xã Ba Đồn, cho biết đơn vị đã nhận được đơn thư tố giác tội phạm của nhiều người dân về việc Công ty TNHH TH Nhân lực quốc tế Study and Travel và Chi nhánh Công ty TNHH Du học Du lịch Âu Mỹ Úc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền và đang tiến hành xác minh, điều tra. Khi có kết quả sẽ xử lý nghiêm vi phạm. "Chúng tôi hiện đang thụ lý theo tin báo tố giác tội phạm. Bước đầu xác định ông Duy hiện đã bỏ trốn sang Chile. Người vợ thì hiện vẫn chưa rõ ở đâu. Cũng có thể họ là nạn nhân của một đường dây lừa đảo XKLĐ nhưng việc tổ chức tuyển chọn, thu tiền của người dân là trái quy định pháp luật" - thượng tá Hóa nói.
Cảnh giác để không mắc bẫy lừa
Theo ông Trần Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, thời gian qua, có tình trạng một số tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài đã lợi dụng nhu cầu muốn đi làm việc ở nước ngoài của người dân để lừa đảo tuyển chọn, đào tạo và thu tiền trái pháp luật. Để thu hút NLĐ, các đối tượng này thường đưa ra các thị trường có mức thu nhập hấp dẫn như Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Nhiều người dân địa phương do chưa tìm hiểu kỹ nên rơi vào cảnh tiền mất mà vẫn không đi được. "Với những đơn vị không có chức năng, không được cơ quan chức năng thẩm quyền giới thiệu về địa phương thì NLĐ nên cảnh giác; chỉ nên chọn những đơn vị XKLÐ có uy tín" - ông Trung khuyến cáo.
Bình luận (0)