Mới đây, 70 công nhân (CN) Công ty TNHH D&D (huyện Hóc Môn, TP HCM) vì quyết đòi bằng được 200 triệu đồng tiền lương nên đã thay phiên nhau canh chừng trước cổng công ty 24/24 giờ nhằm ngăn chặn giám đốc tẩu tán tài sản và bỏ trốn. Đáng buồn là kết cục CN không đòi được lương và giám đốc công ty cũng trốn mất tăm. Thế nhưng, khi được các cơ quan chức năng huyện Hóc Môn hướng dẫn nộp đơn khiếu nại lên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Bình Tân (do công ty đăng ký trụ sở tại quận Bình Tân nhưng hoạt động chui ở huyện Hóc Môn) để hoàn tất thủ tục kiện ra tòa thì hầu hết CN muốn bỏ cuộc.
Khó đủ đường
CN Nguyễn Thị Hải than thở: “Khi bị nợ lương, chúng tôi phải canh chừng ở công ty nên chưa tìm được việc mới. Một số người tìm được việc thì sau đó cũng bị cho nghỉ vì cứ xin nghỉ việc hoài để đến công ty nghe ngóng tình hình, do vậy tiền bạc chẳng có, lấy đâu để đi tới đi lui lo việc kiện tụng? Chưa kể thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian trong khi chúng tôi còn phải kiếm sống”.
CN Lê Thị Thu Hà cũng cho hay những ngày túc trực tại công ty, CN mới vỡ lẽ số máy móc mà họ cố công bảo vệ đều do thuê mượn nhưng lại bị bà giám đốc mang bán cho người khác. “Trong kho còn một ít vải, hàng thành phẩm và bán thành phẩm của một công ty đối tác. Khi chúng tôi đặt vấn đề đổi hàng lấy lương, chủ hàng cũng từ chối” - chị Hà rầu rĩ.
Được cho là “may mắn” hơn CN ở nhiều công ty vắng chủ khác vì trước khi bỏ trốn ôm theo 1,1 tỉ đồng tiền lương của 663 CN giữa tháng 7-2009, ông Jung Jin Chan, Tổng Giám đốc Công ty Hason (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương), vẫn để lại một số tài sản, máy móc. Thời điểm đó có hơn 300 CN gửi đơn khởi kiện đòi lương nhưng số CN theo đuổi tới cùng chỉ khoảng 70 người. Chị Đoàn Thị Mộng Hằng, một CN, cho biết: “Do quá trình theo đuổi vụ kiện kéo dài, một số CN về quê, số khác phải đi làm kiếm sống, không có thời gian theo đuổi vụ kiện nên đành bỏ quyền lợi của mình”.
Chờ đến bao giờ?
Theo các CN ở Công ty Hason, tháng 11-2011, sau khi tòa án hoàn thành việc xét xử, Tổ Quản lý - Thanh lý tài sản (QLTLTS) thuộc TAND tỉnh Bình Dương đã tiến hành thanh lý tài sản của công ty. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, CN vẫn chưa nhận được quyền lợi của mình. “Tòa án bảo chờ nhưng chúng tôi đã chờ hơn 5 năm rồi, không biết còn phải chờ đến bao giờ?” - CN Nguyễn Thị Yến chán nản.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hoành, Tổ trưởng Tổ QLTLTS, giải thích: Sau khi trừ các chi phí, số tiền thanh lý tài sản công ty còn khoảng 3 tỉ đồng. Theo quy định, số tiền này sẽ ưu tiên giải quyết quyền lợi của CN nhưng vì phát sinh tranh chấp giữa 2 chủ nợ là 2 ngân hàng nên việc chi trả bị chững lại. Hơn nữa, việc xử lý do ông Trần Quốc Hiệp - thẩm phán TAND tỉnh Bình Dương, người đang thụ lý vụ án phá sản Công ty Hason - quyết định nhưng đến nay, tổ QLTLTS vẫn chưa nhận được chỉ đạo.
Trong khi đó, ông Hiệp lại cho biết 2 ngân hàng tranh chấp về một chuyền máy nhưng khi thanh lý, tổ QLTLTS đã sơ suất thanh lý chuyền máy này gộp chung với tất cả tài sản khác. “Tôi đã yêu cầu tổ QLTLTS bóc tách riêng số tiền bán chuyền máy đang tranh chấp, còn lại bao nhiêu sẽ dùng để chi trả cho CN. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy bên QLTLTS gửi văn bản báo cáo” - ông Hiệp nói. Cũng theo ông Hiệp, dự kiến ngày 28-10, tòa sẽ tổ chức hội nghị các chủ nợ lần hai để thống nhất phương án giải quyết.
Tìm công nhân để trả quyền lợi cũng khó
Tháng 4-2006, ông Kim Chang Ho, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hojin (quận Bình Tân, TP HCM), bỏ trốn, nợ hơn 230 triệu đồng tiền lương của 157 CN. Do việc ủy quyền thanh lý tài sản không hợp lệ nên việc xử lý tài sản doanh nghiệp kéo dài hơn 8 năm. Mới đây, khi Cục Thi hành án dân sự TP HCM bán đấu giá tài sản công ty được 728 triệu đồng, LĐLĐ quận Bình Tân đã liên tục thông báo mời CN từng làm việc tại công ty liên hệ với LĐLĐ quận để được hướng dẫn thủ tục khởi kiện đòi quyền lợi. Tuy nhiên, do vụ việc xảy ra quá lâu, CN tứ tán khắp nơi nên số CN phản hồi rất hạn chế.
Bình luận (0)