Ngày 19-5, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 kể từ ngày 27-4-2021. Quyết định có hiệu lực từ ngày 19-5.
Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam ngày 18-5 đã trao hỗ trợ 200 triệu đồng tới đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tỉnh Bắc Giang
Theo quyết định này, đoàn viên, người lao động khu vực có quan hệ lao động (bao gồm cả doanh nghiệp, đơn vị chưa có tổ chức công đoàn) là F0 đang điều trị bệnh, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch được hỗ trợ tối đa là 3 triệu đồng/người. Tương tự, mức hỗ trợ đối với đoàn viên, người lao động (tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có đóng kinh phí công đoàn); đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức là F1 có hoàn cảnh khó khăn phải cách ly y tế 21 ngày tại nơi cách ly tập trung, được hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người.
Đoàn viên, người lao động (tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có đóng kinh phí công đoàn) có quyết định phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có hoàn cảnh khó khăn; lao động nữ đang mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; đoàn viên, người lao động buộc phải nghỉ việc do đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mức hỗ trợ tối đa 500.000 đồng/người.
Đối với cán bộ công đoàn chuyên trách cấp trên cơ sở tham gia công tác chống dịch tại địa phương có dịch, mức chi hỗ trợ từ 100 - 150.000 đồng/người/ngày nhưng tối đa không quá 2 triệu đồng/người. Cán bộ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị được chi hỗ trợ từ 80 - 120.000 đồng/người/ngày, nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người.
Cán bộ công đoàn tham gia công tác phòng, chống dịch bị nhiễm Covid-19 (F0) hoặc phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung được áp dụng chế độ theo quy định như đối với đoàn viên, người lao động.
Riêng đối với lực lượng đang phục vụ tuyến đầu chống dịch gồm các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, mức hỗ trợ từ 10 - 50 triệu đồng/đơn vị.
Đoàn viên, người lao động thuộc nhiều đối tượng nêu trên được hưởng mức hỗ trợ khác nhau thì chỉ được hưởng theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất. Trường hợp đã được hỗ trợ ở mức thấp, sau đó lại chuyển thành đối tượng được hỗ trợ ở mức cao hơn thì được hưởng tiếp phần chênh lệch giữa 2 mức hỗ trợ. Riêng với lao động nữ mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi thì được hưởng mức hỗ trợ tối đa.
Mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ 1 lần. Các đối tượng F0, F1 đang điều trị bệnh, bị cách ly, phong tỏa tại địa phương nào thì địa phương đó lập danh sách và thực hiện việc chi hỗ trợ. Công đoàn các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn có trách nhiệm thông tin, phối hợp để thực hiện đảm bảo quyền lợi của đoàn viên, người lao động.
Tiêu chí cụ thể về hoàn cảnh người lao động khó khăn hoặc trường hợp đặc biệt do ban thường vụ Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn căn cứ vào tình hình thực tế đời sống đoàn viên, người lao động, diễn biến dịch trên địa bàn và khả năng cân đối tài chính công đoàn của đơn vị để quy định và hướng dẫn thực hiện.
Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu Ban thường vụ LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn căn cứ vào tình hình thực tế đời sống đoàn viên, người lao động, diễn biến dịch trên địa bàn và khả năng cân đối tài chính công đoàn của đơn vị để xác định cụ thể đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, mức chi, hình thức hỗ trợ (có thể quy đổi thành nhu yếu phẩm đối với người lao động trong khu vực bị phong tỏa). Việc thanh quyết toán đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn.
Bình luận (0)