Trong lần tiếp xúc để giải quyết khiếu nại của người lao động (NLĐ) mới đây, ông N.V.T, giám đốc một công ty chuyên về thẩm định giá, đã than thở với chúng tôi: "Hơn 40 năm làm việc, tôi đã đào tạo khoảng 600 nhân viên (NV) và hiện quản lý hơn 200 lao động. Thế nhưng, đây là lần đầu tiên tôi gặp phải một NV như vậy. Tôi đã tạo điều kiện để cô ấy chứng minh năng lực nhưng kết quả là bị kiện ngược. Khi biết cô ấy khiếu nại, tôi thật sự bị sốc".
Làm ơn mắc oán?
Người được ông T. đề cập chính là chị Lý Ngọc Mỹ, nguyên NV ban kiểm soát chất lượng của công ty. Trao đổi với chúng tôi, chị Mỹ cho biết sau 1 tháng học việc, chị được công ty ký hợp đồng thử việc 2 tháng, từ ngày 1-11 đến 31-12-2017. Hết thời gian thử việc, chị vẫn tiếp tục làm việc nhưng không được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ).
Đến ngày 23-1-2018, chị Mỹ được công ty ký hợp đồng giao khoán công việc thời hạn 2 tháng nhưng ký lùi thời gian từ ngày 1-1 đến 28-2. Theo hợp đồng đã ký, chị được giao làm hồ sơ thẩm định giá và hưởng lương theo doanh thu. Nếu chị không đạt doanh thu, công ty vẫn trả mức lương tối thiểu là 6 triệu đồng/tháng. Ngày 26-1, chị Mỹ bị công ty thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng giao khoán công việc trước thời hạn với lý do không đạt doanh thu.
Người lao động đến Báo Người Lao Động nhờ can thiệp bảo vệ quyền lợi
"Tôi chỉ là người làm công ăn lương, có trải qua thời gian học việc, thử việc. Đúng ra, công ty phải ký HĐLĐ với tôi sau khi kết thúc thời gian thử việc chứ không phải ký hợp đồng giao khoán công việc. Mặt khác, công ty căn cứ "Thông tư 85/2010/TT-BTC" để ký hợp đồng giao khoán công việc với tôi nhưng thực tế lại không có thông tư này. Chưa kể, sau khi ký hợp đồng, công ty không giao hồ sơ cho tôi xử lý, cũng không đưa ra mức khoán cụ thể nhưng lại cho tôi nghỉ việc vì doanh thu không đạt là bất hợp lý" - chị Mỹ bức xúc.
Lý giải về thắc mắc của chị Mỹ, ông T. cho biết theo quy trình tuyển dụng ở công ty, sau khi kết thúc thời gian thử việc, NV phải ký hợp đồng giao khoán công việc 2 tháng. Đây là giai đoạn để NLĐ học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, đồng thời công ty có thêm thời gian xem xét, đánh giá họ trước khi ký HĐLĐ chính thức. Trong thời gian thử thách này, nếu NV không đáp ứng yêu cầu, công ty sẽ được quyền chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào theo điều khoản đã cam kết giữa 2 bên trước đó.
"Vì có thêm giai đoạn thử thách ấy nên dù chị Mỹ bị trưởng bộ phận nhận xét là thử việc không đạt yêu cầu, tôi vẫn tạo cơ hội cho chị thử thách thêm. Sau đó, do chị vẫn không thể hiện được năng lực nên tôi quyết định chấm dứt hợp tác. Nếu ngay khi thử việc không đạt, tôi chấm dứt hợp đồng luôn thì đâu xảy ra sự việc đáng tiếc" - ông T. bày tỏ.
Dụng luật tùy tiện
Khi xảy ra tranh chấp lao động, không ít người sử dụng lao động đã trách móc NLĐ mà quên rằng căn nguyên bắt nguồn từ việc doanh nghiệp (DN) không tuân thủ pháp luật lao động, phổ biến nhất là tùy tiện trong việc ký kết, chấm dứt HĐLĐ, kỷ luật lao động…
Đơn cử trường hợp xảy ra tại Công ty C.S (huyện Hóc Môn, TP HCM) mới đây. Năm 2015, thấy ông Nguyễn Mạnh Hải, NV bảo vệ một khu chung cư, có thu nhập quá thấp, ông P.M.S, Giám đốc Công ty C.S, đã mời về làm bảo vệ tại công ty mình. Tại đây, ngoài mức lương 5 triệu đồng/tháng, ông Hải còn được bố trí ăn, ở miễn phí. Trong quá trình làm việc, dù ông Hải nhiều lần vi phạm nội quy lao động nhưng ông P.M.S chỉ nhắc nhở. Đến tháng 11-2017, bức xúc vì ông Hải bỏ ca trực mà không xin phép, ông P.M.S đã quyết định chấm dứt HĐLĐ. Đáp lại, ông Hải khiếu nại công ty đến các cơ quan chức năng. Sau đó, công ty phải nhận ông Hải trở lại làm việc và chi trả các khoản bồi thường theo luật định.
Ông P.M.S bộc bạch: "Tôi xem ông Hải như người nhà nên mỗi khi ông ấy vi phạm nội quy lao động, tôi chỉ nhắc nhở qua loa mà bỏ qua trình tự xử lý vi phạm. Sau sự việc này, tôi đã cho rà soát quy trình xử lý kỷ luật lao động, chấm dứt HĐLĐ… với NLĐ để tránh những trường hợp tương tự xảy ra".
Còn tại Công ty TNHH F.T (quận Thủ Đức, TP HCM), việc đột ngột sa thải một nữ CN "cá biệt" cũng khiến ban giám đốc khốn đốn. Tiếp xúc với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH F.T, lắc đầu: "Hơn 20 năm trong nghề, đây là lần đầu tiên tôi chịu thua NLĐ".
NLĐ mà bà Hồng nhắc đến là CN Nguyễn Thị Thủy. Bà Hồng cho biết chị Thủy vào làm CN may tại công ty từ năm 2016, hưởng lương theo thời gian. Trong quá trình làm việc, Thủy không tuân thủ theo chỉ dẫn của quản lý dẫn đến sản phẩm bị lỗi. Đã vậy, chị còn thường xuyên tỏ thái độ chống đối, bất hợp tác và chểnh mảng trong công việc. Khi bị quản lý nhắc nhở, Thủy luôn vin nhiều lý do khác nhau để không nhận lỗi. Lãnh đạo công ty nhiều lần mời Thủy lên khuyên nhủ nhưng không đạt kết quả. Có lần, khi khách hàng đến tham quan nhà máy để ký hợp đồng, phát hiện Thủy gác chân lên bàn chơi game, quản lý tới nhắc nhở thì chị la hét, gây náo loạn cả xưởng. Sau sự việc đó, công ty quyết định sa thải Thủy. Tuy nhiên, do sai sót trong quy trình xử lý kỷ luật nên công ty bị Thủy kiện ngược và điều này khiến ban giám đốc hết sức mệt mỏi.
"Sau sự cố này, ban giám đốc nhắc nhở các phòng - ban rà soát, xây dựng lại nội quy lao động và quy chế khen thưởng, kỷ luật cho chặt chẽ, đúng luật" - bà Hồng nhớ lại.
Bình luận (0)