Để hạn chế đứt gãy nguồn lao động, theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Ðăng Doanh, bên cạnh chính sách chung của Chính phủ, các địa phương cần tận dụng nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân để bố trí nhà ở cho người lao động (NLÐ), góp phần bảo đảm đời sống để họ yên tâm. "Tăng phụ cấp cho NLÐ, ứng lương, bổ sung các gói an sinh... là những cách mà doanh nghiệp (DN), địa phương cần tiếp tục triển khai. Tất nhiên, cần chính sách đồng bộ để mọi DN đều có cơ hội tiếp cận NLÐ và ngược lại, hạn chế tình trạng cạnh tranh lôi kéo NLÐ, gây thêm bất ổn không đáng có" - TS Lê Ðăng Doanh lưu ý.
Giữ công nhân bằng phúc lợi
Trải qua hơn 2 tháng áp dụng mô hình "3 tại chỗ", Công ty CP Thực phẩm Cholimex (KCN Vĩnh Lộc, TP HCM) đã chuyển hoạt động sản xuất sang "4 xanh" (NLĐ xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh) kể từ đầu tháng 10. Đến nay, hầu hết công nhân (CN) đã quay trở lại nhà máy, chỉ trừ một số trường hợp đã trở về quê hoặc đang cách ly điều trị Covid-19, tỉ lệ biến động lao động không đáng kể. Giữ được nguồn nhân lực sau thời gian dài giãn cách xã hội là nỗ lực rất lớn của DN.
Ông Huỳnh Đại Trí, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết đến cuối tháng 9, DN đã trải qua 78 ngày đêm sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" với khoảng 950 lao động. Trong thời gian đó, ưu tiên của DN là bảo đảm nơi sản xuất an toàn để bảo vệ sức khỏe NLĐ. Để họ an tâm làm việc, ngoài sắp xếp nơi ở với đầy đủ vật dụng thiết yếu, DN đã bố trí bếp ăn tập thể và giao Công đoàn phụ trách, giám sát chất lượng bữa ăn hằng ngày, bảo đảm NLĐ được ăn ngon, đủ chất. Không dừng lại ở đó, ban giám đốc còn phụ cấp thêm cho NLĐ làm việc "3 tại chỗ" với mức 200.000 đồng/người/ngày; riêng chủ nhật, nếu NLĐ làm việc thì được hưởng thêm 300.000 đồng/người. Với những NLĐ cách ly, phong tỏa, ngoài trả lương tối thiểu vùng, DN còn cung cấp thực phẩm miễn phí cho họ. Với NLĐ không đăng ký "3 tại chỗ", DN đã lập danh sách để họ được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Những trường hợp này cũng được Công đoàn công ty hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Với sự đồng hành đó, hầu hết NLĐ của công ty đều an tâm bám trụ lại thành phố. Ngay khi thành phố nới lỏng giãn cách, DN lập tức chuyển sang mô hình "4 xanh" để đón NLĐ đủ điều kiện trở lại làm việc.
Sản xuất trở lại từ ngày 1-10, Công ty CP Kềm Nghĩa (KCN Tân Phú Trung; huyện Củ Chi, TP HCM) có 550 NLĐ đi làm (chiếm 50% lao động). Ông Trần Minh Tú, Giám đốc điều hành công ty, cho biết theo lộ trình mà công ty trình với Ban Quản lý các KCX-KCN TP, trong 10 ngày tới có khoảng 90% lao động trở lại làm việc, trừ một số ít nghỉ có việc riêng hoặc đang nghỉ thai sản. Tỉ lệ NLĐ tại DN về quê rất thấp (khoảng 0,01%). Để có kết quả này, trong thời gian CN tham gia "3 tại chỗ", ngoài lương, DN còn hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người. Những NLĐ không đi làm được, công ty hỗ trợ 120.000 đồng/ngày cùng lương thực - thực phẩm. Công ty cũng liên hệ Ban Quản lý các KCX-KCN TP, cơ quan y tế địa phương để tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho CN rất sớm, đến nay hơn 90% CN đã tiêm 2 mũi.
Chính sách chăm lo tốt của doanh nghiệp giúp người lao động tại Công ty CP Kềm Nghĩa an tâm trở lại làm việc. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Chăm sóc tốt nguồn nhân lực
Bàn về giải pháp để giúp NLĐ quay trở lại DN làm việc, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng quan trọng nhất vẫn là vấn đề việc làm, nhất là những việc làm ổn định, có thu nhập tốt, bởi nơi nào có chính sách việc làm tốt thì ở đó vẫn sẽ thu hút NLĐ. Sau thời gian về quê, ổn định cuộc sống, NLĐ chắc chắn sẽ có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới để mưu sinh. "Theo tôi, chính quyền các địa phương tạo điều kiện cho DN để khôi phục sản xuất. Các DN khi có nhu cầu tìm lao động thì cần phải đăng tải một cách công khai, rộng rãi về chế độ tiền lương, phúc lợi, điều kiện lao động, phương tiện đưa đón lao động... để thu hút NLĐ" - bà Ngân nêu ý kiến.
PGS-TS Giang Thanh Long, giảng viên Khoa Kinh tế học Trường ÐH Kinh tế Quốc dân, nhìn nhận dù Chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ NLÐ, các địa phương cũng có gói hỗ trợ bổ sung nhưng vẫn chưa đủ để NLÐ duy trì cuộc sống trong những tháng giãn cách xã hội. NLÐ bỏ về quê cũng sẽ cân nhắc quay lại khi hoạt động kinh tế phục hồi, nhưng họ có thể không quay lại sớm bởi còn phải tính toán về nhà ở, học tập của con cái... NLÐ và DN có thể bị "lạc nhịp" trong giai đoạn hồi phục sản xuất trước mắt. An sinh xã hội cần phải được coi là cầu nối, đệm đỡ. Bảo đảm an sinh xã hội cũng là giải pháp để chuỗi lao động không đứt gãy. Hiện tượng lao động hồi hương cho thấy sự cần thiết của việc mở rộng hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội, tới NLÐ để khi đối mặt với rủi ro, họ vẫn có thể duy trì cuộc sống. "Thiết kế của hệ thống an sinh xã hội phải bảo đảm được nguyên tắc 3A, gồm khả năng tiếp cận (Accessibility), khả năng chi trả (Affordability) và mức thụ hưởng phù hợp (Adequacy)" - ông Giang lưu ý.
Tại Diễn đàn các nhà lãnh đạo DN với chủ đề "Bảo đảm an toàn nguồn lực lao động để phát triển bền vững" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) tổ chức mới đây, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho biết khi cuộc khủng hoảng Covid-19 xảy ra, DN đã xác định chăm lo về đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ và gia đình họ là vấn đề quan tâm hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, PNJ xác định bảo đảm được điều này và niềm tin cho NLĐ là giá trị cốt lõi của DN. Trong khủng hoảng Covid-19, ở một số thời điểm PNJ có đến 85%-90% cửa hàng phải đóng cửa, song vẫn bảo đảm 100% thu nhập cho NLÐ, thậm chí DN cũng đã tạm ứng 50% lương tháng 13 vì thấu hiểu đây là thời điểm NLÐ cần tiền hơn bất kỳ lúc nào. "DN có 3 nguồn vốn đó là tài chính, nguồn vốn con người và nguồn vốn từ xã hội. Nhưng hầu như phần lớn chúng ta mới chỉ nhìn đến nguồn vốn về tài chính mà ít nhìn đến hai nguồn vốn còn lại. Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi sau những khủng hoảng của dịch Covid-19, với rất nhiều bài học, cộng đồng DN sẽ có cái nhìn trọn vẹn hơn đến nguồn nhân lực, bởi lẽ chính nguồn lực này sẽ giúp DN phát triển bền vững" - bà Dung bày tỏ.
Ông PHẠM MINH HUÂN, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
Hỗ trợ mọi mặt cho người lao động
Dịch bệnh xảy ra, NLÐ rất khó khăn, tích lũy không nhiều, một phần gửi về gia đình, một phần chi cho sinh hoạt phí nên tâm lý muốn về quê. Tuy nhiên, thị trường lao động phục hồi thì họ sẽ cân nhắc đi làm lại. DN và địa phương có thể hỗ trợ ban đầu để NLÐ ổn định cuộc sống khi quay trở lại. Để không đứt gãy nguồn lao động, ngoài ưu tiên tiêm vắc-xin cho CN, các địa phương phải ban hành chính sách dành quỹ đất tại các KCN để xây dựng thiết chế văn hóa xã hội, nhà mẫu giáo, quy hoạch trường học, kết nối giao thông với khu dân cư... để phục vụ lao động ngoại tỉnh, giúp họ an tâm gắn bó lâu dài.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-10
Kỳ tới: Tiếp sức doanh nghiệp
Bình luận (0)