Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ xuất nhập khẩu, vận tải hàng hóa nên khi dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Liên kết Toàn Cầu (quận Tân Bình, TP HCM) bị ảnh hưởng không nhỏ. Dù vậy, với mục tiêu duy trì hoạt động kinh doanh, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động (NLĐ), công ty đã linh hoạt bố trí cho khoảng 98% lao động làm việc trực tuyến tại nhà từ đầu tháng 6-2021, chỉ 2 nhân viên được cấp giấy đi đường phụ trách công tác dịch vụ, chứng từ tại cảng, sân bay đi làm bình thường.
Nghỉ việc vẫn có lương
Dịch bệnh khiến doanh thu sụt giảm, song hơn 3 tháng qua, ngoài bảo đảm thu nhập cho NLĐ, công ty còn có thêm chính sách hỗ trợ trong mùa dịch. Theo đó, nhân viên có thu nhập dưới 12 triệu đồng/tháng sẽ được hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/tháng; nhân viên giải quyết công việc tại các cảng, sân bay được hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, NLĐ không may nhiễm Covid-19 phải vào bệnh viện điều trị nếu có phát sinh chi phí sẽ được công ty chi trả toàn bộ. Song song đó, đội ngũ quản lý, những người có nhiều đóng góp cho công ty còn được mua bảo hiểm nhân thọ trị giá 20 triệu đồng/năm. Không chỉ chăm lo cho NLĐ tại đơn vị, trong đợt dịch lần này, Quỹ Thiện nguyện Happy Link do công ty lập ra từ việc trích lương đóng góp của cán bộ nhân viên còn phối hợp với LĐLĐ quận Tân Bình, TP HCM trao tặng 624 phần quà với tổng trị giá 237 triệu đồng cho các công nhân (CN) gặp khó khăn vì dịch. "Lúc khó khăn công ty vẫn chăm lo chu đáo cho NLĐ và không quên trách nhiệm với cộng đồng, điều này khiến chúng tôi rất cảm kích, tự hào và thêm niềm tin để gắn bó lâu dài với doanh nghiệp (DN)" - anh Nguyễn Nhựt Thanh, bộ phận nhân sự công ty, cho biết.
Do không thể thực hiện phương án "3 tại chỗ" nên từ ngày 10-6, Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức (TP Thủ Đức, TP HCM), phải tạm thời cho 2/3 CN (khoảng 150 lao động) nghỉ việc. Nhằm giúp họ an tâm cầm cự trong mùa dịch, ban giám đốc công ty không tạm hoãn hợp đồng lao động và vẫn trích nộp BHXH, BHYT đầy đủ. Đặc biệt, CN vẫn được hưởng mức lương 4.420.000 đồng/tháng, ngang bằng mức lương tối thiểu vùng. Đến ngày 9-7, thì 1/3 số CN còn lại (80 lao động) cũng phải nghỉ việc và được hưởng chế độ tiền lương tương tự cho đến nay. Đồng hành với DN, Công đoàn cơ sở đã hỗ trợ cho mỗi CN từ 10 đến 20 kg gạo. Dịp lễ 2-9 vừa qua, mỗi CN được thưởng 300.000 đồng/người. Lý giải về quyết định hỗ trợ lương cho CN, ông Nguyễn Quang Ngà, Giám đốc Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức, nói: "Dịch bệnh xảy ra là điều không ai mong muốn và đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là CN. Khi khó khăn, DN luôn nhận được sự ủng hộ của anh chị em CN và đây là thời điểm thích hợp để tri ân họ".
Người lao động tại Công ty CP Gas Thủ Đức được bảo đảm quyền lợi trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: NGÂN HÀ
Chia sẻ rủi ro
Kinh doanh mặt hàng thiết yếu, vì thế, khi TP yêu cầu giãn cách, từ ngày 15-7, Công ty CP Gas Thủ Đức (TP Thủ Đức, TP HCM) quyết định triển khai phương án "3 tại chỗ", với 55/101 lao động tham gia.
Bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết để tạo sự an tâm cho NLĐ, ngoài trang bị giường, nệm, mềm, gối, vật dụng cá nhân, ban giám đốc cũng hỗ trợ 3 bữa ăn/ngày. Sản phẩm của công ty được giao trên toàn TP HCM nên việc đi lại vô cùng khó khăn, chưa kể nguy cơ lây nhiễm cao với NLĐ, vì thế công ty đã phối hợp với cơ sở y tế test nhanh Covid-19 3 ngày/lần cho nhân viên. Để hỗ trợ cho NLĐ trong giai đoạn khó khăn, nhân viên đồng ý làm việc "3 tại chỗ" hoặc làm online được DN trả 100% lương. NLĐ tạm ngưng làm việc do hoàn cảnh gia đình được hỗ trợ 70%-80% tiền lương. Trong quá trình làm việc, có 17 nhân viên ở bộ phận giao hàng bị nhiễm bệnh, buộc phải đi cách ly tập trung. Để động viên họ, ban giám đốc công ty quyết định hỗ trợ 7 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra Công đoàn cơ sở lập tức gửi ấm nấu nước siêu tốc, viên sủi, thuốc điều trị, thực phẩm… vào khu cách ly cho NLĐ. Là F0 đang đi cách ly, anh Đinh Công Cộng, tài xế công ty, thốt lên: "Nhận được khoản tiền hỗ trợ từ DN, tôi và các anh chị em F0 khác rất cảm động. Nhiều anh chị em rất khó khăn khi phải ở trọ, vợ hoặc chồng mất việc làm, nuôi con nhỏ hoặc mẹ già, do vậy số tiền này rất có ý nghĩa".
Đến thời điểm này, Công ty TNHH SX-TM Vĩ Nam Việt (Vinavit, quận 6, TP HCM) đã áp dụng phương án "3 tại chỗ" gần 2 tháng, với khoảng 110 lao động (50% tổng số lao động công ty). Ông Quách Vũ Bảo Châu, Chủ tịch Công đoàn, cho biết thực tế DN đang gặp phải rất nhiều khó khăn, song ban giám đốc vẫn cố gắng duy trì sản xuất, tất cả là vì việc làm, đời sống NLĐ. Đối với những lao động không tham gia "3 tại chỗ", công ty đã hỗ trợ từ 80.000-90.000 đồng/ngày nhằm giúp họ trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày. "Việc tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" có nhiều bất tiện tuy nhiên dịch bệnh kéo dài, cả DN và NLĐ đều bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, mỗi NLĐ đều cố gắng giữ vững tinh thần và cùng DN vượt qua khó khăn" - ông Châu cho hay.
Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, nhiều DN vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, bảo đảm việc làm, thu nhập và phúc lợi cho NLĐ. Cá biệt, nhiều DN dù ngưng hoạt động hoàn toàn vẫn trả lương đầy đủ cho NLĐ. Nỗ lực và sự sẻ chia đó đã tiếp thêm động lực cho NLĐ trong thời điểm khó khăn này".
Ông PHẠM CHÍ TÂM, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-9
Kỳ tới: Tăng cường hỗ trợ người lao động
Bình luận (0)