Hoạt động cho thuê lao động tại Việt Nam đang phát sinh nhiều vấn đề mâu thuẫn. Doanh nghiệp (DN) cho thuê chưa đảm bảo điều kiện kinh doanh, thiếu kiểm soát khiến cho quyền lợi của người lao động (NLĐ) không được đảm bảo.
Lách luật, cho thuê lao động "chui"
Từng là đơn vị thuê lại lao động làm nghề may, bà Nguyễn Tố Lam - Phó Giám đốc một công ty may tư nhân tại Hà Nội - cho biết, lĩnh vực kinh doanh của công ty bà rất cần tới dịch vụ cho thuê lại lao động.
Theo bà Lam, công ty của bà là công ty tư nhân vừa và nhỏ, nên chỉ khi có đơn hàng của đối tác công ty mới thực hiện sản xuất. Nếu tuyển lao động, ký hợp đồng dài hạn thì đây sẽ là gánh nặng lớn với phía công ty. "Chính vì vậy, công ty tôi chọn cách thuê lại lao động. Mặc dù chi phí thuê lại lao động không hề thấp. Mức lương có thể phải trả lương cao hơn, nhưng lại giúp cho công ty chủ động hơn trong sản xuất. Quan trọng hơn nữa là lao động thuê lại thường là lao động có tay nghề, không cần phải đào tạo lại nhiều. Tuỳ thuộc tính chất các đơn hàng mà chúng tôi có kế hoạch thuê lao động phù hợp. Ví dụ, đơn hàng may thuê lao động may, đơn hàng thêu thì thuê lao động thêu… Mọi vấn đề lương, chế độ an sinh đều do phía công ty cho thuê đảm nhiệm nên công ty không bị phát sinh thêm nhân viên, giúp tiết kiệm chi phí nhân công".
Hoạt động cho thuê lại lao động khá phổ biến ở một số ngành như dọn vệ sinh công nghiệp, may mặc, lắp ráp... (ảnh minh họa). Minh Nguyệt
Bên cạnh những mặt được ở trên, bà Lam cũng chỉ ra những hạn chế trong việc thuê lao động. "Thực tế, chúng tôi từng làm việc với nhiều công ty cung ứng lao động, từ lao động có tay nghề như may mặc hay lao động dọn vệ sinh, có nhiều lần chất lượng lao động cũng không được như cam kết. Thêm vào đó, lao động cũng cho biết họ được nhận mức lương thấp hơn nhiều lần so với số tiền phía công ty tôi trả lương. Cá biệt, có công ty cho thuê lao động sau khi nhận lương từ công ty thuê lao động còn nợ lương, trốn đóng BHXH), khi lao động ốm đau, tai nạn lao động cũng không được hỗ trợ…" - bà Lam phân tích thêm.bà Lam nói.
Về phía đơn vị cho thuê lại lao động, ông Đ.V.N - Giám đốc một công ty dịch vụ dọn vệ sinh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, bản thân công ty hiện nay đang hoạt động trong lĩnh vực cung ứng cho thuê dọn vệ sinh và giúp việc gia đình. Tuy nhiên, nếu chiếu theo điều kiện để được kinh doanh trong loại hình cho thuê lao động thì công ty chưa đủ điều kiện. "Công ty chúng tôi là công ty nhỏ, làm trong lĩnh vực dọn vệ sinh vốn điều lệ khá ít. Theo quy định, muốn cho thuê lao động phải có 2 tỉ đồng để ký quỹ, chúng tôi đã chẳng có, nay lại đề xuất lên 3 tỉ thì càng khó cho chúng tôi. Thêm nữa, nhiều điều khoản cấp phép hoạt động cho công ty hoạt động trong lĩnh vực này cũng chưa phù hợp" - ông N chia sẻ. Chính bởi lý do đó mà lâu nay công ty của ông N thường lách luật, cho thuê lao động "chui". Một là làm việc trực tiếp với đối tác cung ứng lao động và hưởng tiền phí môi giới lao động, hai là cho thuê nhưng với danh nghĩa là cung ứng, tuyển dụng giúp lao động giúp. "Chúng tôi hiểu điều này là không đúng luật, nhưng không còn cách nào khác bởi thủ tục cấp phép hạn chế, tiền ký quỹ để được cấp phép cho thuê lao động cao, chi phí phát sinh quản lý, đảm bảo phúc lợi, lương thưởng, BHXH… cho lao động lại khá nhiều" - ông N nói.
Quy định rõ trách nhiệm của từng bên với NLĐ
Bà Tống Thị Minh - Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, cho thuê lại lao động là một loại hình kinh doanh đã hình thành từ những thập niên 1960-1970 ở các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Theo Tổ chức Lao động quốc tế, hoạt động cho thuê lại lao động có những tính chất rất đặc thù và được hiểu một cách khái quát là một DN tuyển dụng lao động vào công ty rồi ký hợp đồng lao động với NLĐ, sau đó DN này lại ký hợp đồng cho công ty khác thuê lại lao động để sử dụng. Còn các chế độ, chính sách về lương, thưởng được công ty cho thuê lao động chịu trách nhiệm.
Ở Việt Nam, hoạt động cho thuê lại lao động đã hình thành từ giai đoạn 1980-1990 nhưng chưa có điều khoản nào được chế tài trong Bộ Luật Lao động. Chính vì vậy, hoạt động cho thuê lại lao động bắt đầu được lấy ý kiến đóng góp và đưa vào dự thảo luật và chính thức có hiệu lực tại Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012. Hiện nay, Bộ LĐ-TB-XH đang tiếp tục lấy ý kiến sửa đổi các điều khoản nhằm minh bạch hoá thị trường cho thuê lao động. Theo Bộ LĐ-TB-XH, cuối năm 2016 cả nước có 126 DN được cấp phép và hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động, tập trung chủ yếu ở các tỉnh khu vực phía Nam. 4 tỉnh có nhiều DN cho thuê lại lao động nhất là TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Hà Nội, chiếm hơn một nửa số DN cho thuê lại lao động trong cả nước.
Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đánh giá cao những lợi ích từ dịch vụ cho thuê lao động. Ông Huân cho rằng, trong bối cảnh kinh tế phát triển liên tục thì dịch vụ cho thuê lại lao động sẽ góp phần hỗ trợ phát triển thị trường lao động, đồng thời góp phần chuyên môn hóa lực lượng lao động. Điều này sẽ nâng cao tiêu chuẩn dịch vụ, thương hiệu, chuẩn hóa, chuyên môn hóa cao hơn cho DN cũng như lao động. Theo ông Huân: "Hiện nay Bộ LĐ-TB-XH mới nặng về cấp phép, quan trọng giờ là đánh giá lại hoạt động xem pháp luật đã phù hợp với thực tế chưa. Thêm nữa, cần xem tác động của hoạt động cho thuê với NLĐ như thế nào vì bản chất hoạt động cho thuê lao động là bóc lột sức lao động".
Đồng tình với quan điểm của ông Huân, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng: "Muốn dịch vụ cho thuê lao động minh bạch thì chúng ta cần đưa thêm các điều khoản ràng buộc trách nhiệm đóng BHXH cho lao động. Theo đó, phải cụ thể hoá xem DN thuê hay cho thuê phải chịu trách nhiệm đóng BHXH. Ngoài ra, quy định ai phải chịu trách nhiệm khi NLĐ bị tai nạn lao động, ai sẽ đóng BHXH… cũng cần phải được quy định cụ thể trong luật, không thể để thỏa thuận, vì thỏa thuận nếu không thành công sẽ rất bất lợi cho NLĐ" - bà Hương nói.
"Riêng với những lao động cho thuê không có tay nghề, ví dụ công nhân dọn vệ sinh, cửu vạn… nên áp dụng đóng BHXH tự nguyện để lao động quản lý trực tiếp BHXH, tránh trường hợp thoả thuận lao động thất bại, chủ DN cho thuê bỏ trốn, trốn đóng, chậm đóng BHXH, ảnh hưởng tới quyền lợi của lao động".
Ông Lê Đình Quảng - Phó ban Quan hệ lao động,Tổng LĐLĐ Việt Nam
"Với bối cảnh kinh tế phát triển, khả năng hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc cho thuê lao động là xu hướng tất yếu. Việc này sẽ giúp các DN chủ động được sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí, tránh áp lực trong việc tuyển dụng, trả lương, đảm bảo phúc lợi cũng như bảo đảm việc làm bền vững cho lao động. Đặc biệt, điều này giúp cho thị trường lao động được linh hoạt, tăng sự điều tiết của thị trường nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp ở Việt Nam".
Ông Doãn Mậu Diệp -Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH
Bình luận (0)