Trong đơn khiếu nại gửi đến Báo Người Lao Động, anh Trịnh Văn Hợp (ngụ quận 9, TP HCM) bức xúc: “Tôi nhận quyết định nghỉ việc đến nay đã hơn 8 tháng nhưng Công ty CP Kỹ thuật và Xây dựng Long Hải (quận Bình Thạnh, TP HCM) vẫn chây ì không thanh toán tiền lương còn thiếu và chốt sổ BHXH cho tôi. Hiện tôi đang thất nghiệp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn”.
Doanh nghiệp... vắng chủ!
Anh Hợp cho biết khi nghỉ việc vào tháng 10-2013, anh mới biết từ tháng 1-2011 đến tháng 9-2013, công ty có trừ tiền BHXH nhưng không đóng cho cơ quan BHXH, do đó không chốt sổ BHXH được. Anh đã nhiều lần liên lạc với ông Trương Vũ Hà, giám đốc công ty, đề nghị được nhận lại khoản tiền lương đã khấu trừ nhưng chưa nộp cho cơ quan BHXH, tuy nhiên ông Hà luôn cố tình tránh mặt. Khi nhận được phản ánh của anh Hợp, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với công ty xin gặp ông Hà để có câu trả lời về khiếu nại của người lao động nhưng lần nào cũng được cho biết “giám đốc đi vắng”.
Tương tự, khi nghỉ việc, Công ty CP M&C (quận 1, TP HCM) chưa thanh toán cho anh Đỗ Tuấn Khôi 5 tháng tiền lương, cũng không chốt và trả sổ BHXH cho anh. Sau đó, anh Khôi vào làm việc tại Công ty Sài Gòn M&C (là công ty mẹ của Công ty CP M&C, cũng do ông Phùng Ngọc Khánh, Tổng Giám đốc Công ty CP M&C làm chủ tịch HĐQT, do cả nể, anh Khôi không đòi gắt gao, chỉ cung cấp số sổ BHXH cho công ty mới để tiếp tục tham gia BHXH. Hơn 1 năm làm việc tại đây, anh xin thôi việc. “Khi Công ty Sài Gòn M&C yêu cầu nộp sổ BHXH để làm thủ tục chốt sổ, tôi đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu Công ty CP M&C trả sổ BHXH và 60 triệu đồng tiền lương còn nợ nhưng công ty phớt lờ” - anh Khôi ấm ức. Để xác minh sự việc, chúng tôi cũng đã nhiều lần liên hệ xin gặp ông Phùng Ngọc Khánh nhưng đều nhận được câu trả lời là “giám đốc đi công tác”.
Dây dưa, nói bừa
Ngày 15-7-2013, chị Trịnh Bội Nga, nhân viên kế toán của Công ty I.L (quận 7, TP HCM), nhận được quyết định nghỉ việc và yêu cầu bàn giao công việc trong ngày. Thế nhưng chờ đến tháng 2-2014, chị Nga vẫn chưa được công ty bố trí người tiếp nhận công việc và thanh toán các chế độ thôi việc, trợ cấp thai sản. Không có việc làm lại đang nuôi con nhỏ, trong lúc chế độ thôi việc, thai sản lại bị “treo” khiến chị Nga lâm vào cảnh khốn đốn. Sốt ruột, tháng 2-2014, chị Nga tiếp tục làm đơn yêu cầu giải quyết quyền lợi thì công ty trả lời sẽ thanh toán vào ngày 31-3 sau khi chị bàn giao xong. Ngày 18-3, chị Nga hoàn tất việc bàn giao nhưng công ty vẫn không thanh toán các chế độ mà tiếp tục hẹn đến ngày 30-6. “Tôi sinh con từ tháng 1-2013, tháng 11-2013 tôi được biết BHXH đã chi trả trợ cấp thai sản của tôi vào tài khoản của công ty nhưng công ty không thanh toán cho tôi. Việc chậm bàn giao là do công ty chưa tuyển được người chứ đâu phải lỗi của tôi? Nay con tôi đã hơn 1 tuổi mà vẫn chưa được nhận tiền thai sản, tôi còn phải chờ đến bao giờ?” - chị Nga bức xúc.
Trao đổi với chúng tôi, bà V.T.A, trợ lý giám đốc, giải thích: “Là kế toán, chị Nga quản lý nhiều sổ sách, chứng từ quan trọng, khi chưa bàn giao xong thì không thể thanh toán chế độ thai sản được. Tiền thai sản của chị Nga nhiều hơn trợ cấp thôi việc, chị Nga nhận được rồi thì sẽ sẵn sàng bỏ trợ cấp thôi việc để khỏi bàn giao, do đó công ty phải giữ lại chờ bàn giao xong mới thanh toán”. “Vậy tại sao chị Nga đã bàn giao xong mà công ty vẫn tiếp tục hẹn?” - chúng tôi hỏi. Bà A. quả quyết: “Bàn giao xong nhưng còn phải chờ công ty kiểm tra xem có đúng hay không rồi mới trả”.
Doanh nghiệp đã vi phạm luật
Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, nhận định: Khoản 2 điều 47 Bộ Luật Lao động quy định trong vòng 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ các khoản liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Trong các trường hợp trên, người sử dụng lao động đã vi phạm pháp luật khi không giải quyết quyền lợi cho người lao động theo quy định. Người lao động nên gửi đơn khiếu nại đến thanh tra lao động hoặc kiện ra tòa để đòi quyền lợi.
Bình luận (0)