"Thông qua việc tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước, hiểu biết của người lao động (NLĐ) về pháp luật cũng được nâng cao. Nhờ đó từ năm 2012 đến nay, số vụ ngừng việc tập thể giảm 16 vụ so với nhiệm kỳ trước". Ông Lê Minh Yến - Chủ tịch LĐLĐ quận 9, TP HCM - đã nói như vậy trước ngày khai mạc đại hội Công đoàn (CĐ) quận 9 nhiệm kỳ 2018-2023.
Vì lợi ích của người lao động
Ông Lê Minh Yến cho biết những hình thức tuyên truyền được CĐ cơ sở triển khai hiệu quả là tuyên truyền trên hệ thống phát thanh 13 phường và các doanh nghiệp; tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp, sinh hoạt, đối thoại tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền còn được phối hợp tổ chức ở các tổ công nhân (CN) tự quản hoặc thông qua các hội thi tìm hiểu Bộ Luật Lao động, Luật CĐ, Luật BHXH…
Hội thi gói bánh tét vừa là sân chơi vừa là sự san sẻ với công nhân khó khăn
Bên cạnh việc nâng cao hiểu biết pháp luật cho NLĐ, các cấp CĐ quận 9 còn tập trung thực hiện các hoạt động chăm lo thiết thực. Đơn cử như việc phối hợp với ngành điện vận động các hộ cho thuê phòng trọ mắc điện kế để bán điện đúng giá cho CN ở trọ. Qua đó đã giúp 26.576 CNVC-LĐ tại 3.278 nhà trọ được mua điện đúng giá.
Ngoài ra, LĐLĐ quận còn phối hợp cùng Ủy ban MTTQ quận trao nhà tình nghĩa, sửa nhà cho gia đình chính sách; phối hợp cùng CĐ ngành giáo dục sửa chữa nhà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn; chăm lo cho CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động hoặc có con bị bệnh hiểm nghèo...
Gặp anh Trí - CN của một công ty sản xuất nến trên địa bàn quận 9 - hôm LĐLĐ quận tổ chức tặng quà Tết cho CN khó khăn, anh vui vẻ khoe giỏ quà và phong bì tiền mặt vừa nhận được. Anh là một trong số 120 CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn được nhận quà từ chương trình phối hợp chăm lo giữa LĐLĐ và Ban Vận động Vì người nghèo quận dịp Tết nguyên đán 2018. Kể về hoàn cảnh của mình, anh nói: "Sau khi chích ngừa lao, con gái tôi bị nổi hạch phải mổ và mất sức, suy dinh dưỡng nặng nên cứ bệnh liên tục, vợ tôi phải ở nhà chăm sóc con, mọi chi tiêu chỉ trông cậy vào tiền lương của tôi. Mỗi tháng, ngoài chi phí cho 3 người ở Sài Gòn, tôi còn phải dành dụm để gửi về quê 3 triệu đồng cho con trai lớn đi học và mua thuốc điều trị thận cho mẹ tôi. Nếu không có quà của LĐLĐ quận, vợ chồng tôi cũng không biết Tết là gì".
Sẻ chia, đùm bọc
Có dịp tham dự hội thi gói bánh tét mừng Xuân trong chương trình "Tết sum vầy" do LĐLĐ quận 9 tổ chức, chúng tôi cảm nhận được không khí vui tươi, phấn chấn của những người tham dự. Đặc biệt, với ý nghĩa sẻ chia, hội thi còn gợi lên tình yêu thương, sự quan tâm của CNVC-LĐ đối với những mảnh đời còn khó khăn hơn mình. Chị Vũ Thị Minh Ngọc, CĐ Ban quản lý Đầu tư Xây dựng công trình quận 9, cho biết: "Hội thi rất ý nghĩa, năm nào đơn vị tôi cũng tham gia. Cuộc thi không những thể hiện được tài nội trợ của người phụ nữ mà còn là một hoạt động giúp chúng tôi san sẻ, gửi gắm tình yêu thương đến với những CN có hoàn cảnh khó khăn vì toàn bộ số bánh sẽ được dành để phục vụ buổi họp mặt các gia đình không có điều kiện về quê đón Tết và tặng cho CN khó khăn tại các khu nhà trọ có tổ CN tự quản ở 13 phường trên địa bàn quận".
Ngoài hội thi nấu bánh tét, các hoạt động khác trong chương trình "Tết sum vầy" cũng tạo nên không khí vui tươi, rộn ràng cho NLĐ sau 1 năm lao động vất vả. Đó là hội thi nấu ăn mà thức ăn dự thi sẽ là bữa cơm trưa của các thí sinh thi nấu bánh tét và cổ động viên; thi trang trí cành mai, cành đào; thi thời trang mừng Xuân… Đặc biệt, bữa tiệc họp mặt gia đình CN khó khăn không có điều kiện về quê ăn Tết do LĐLĐ quận tổ chức với bánh tét, dưa kiệu, chả lụa và các món ăn truyền thống ngày Tết được chính tay cán bộ LĐLĐ quận nấu nướng, chế biến.
Chia sẻ về các hoạt động này, bà Phạm Thị Ngọc, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận, cho biết: "Các hoạt động diễn ra liên tục nên chúng tôi khá vất vả; tuy nhiên, khi nhìn CN vui vẻ, phấn chấn, chúng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, bao nhiêu mệt mỏi cũng tan biến".
Bình luận (0)