“Tôi được công ty tuyển vào làm nhân viên kinh doanh với mức lương 3,1 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, hằng tháng, công ty chỉ cho tôi tạm ứng 2 triệu đồng. Tính đến ngày nghỉ việc, công ty còn nợ tôi hơn 9 triệu đồng”. Anh Võ Thanh Duy, nguyên nhân viên Chi nhánh Công ty CP Đầu tư Sông Đà Sao Việt (quận 1 - TPHCM), bức xúc cho biết như vậy.
Chỉ được tạm ứng
Sau khi nghỉ việc, Duy nhiều lần liên lạc với công ty để đòi lương. Công ty cũng đã làm bảng quyết toán lương, xác nhận còn nợ anh và hẹn đến cuối tháng 9-2011 sẽ trả. Đến hẹn, anh đến nhận lương, công ty tiếp tục hẹn và cuối cùng trả lời “khi nào có tiền thì mời lên nhận”. Không chỉ anh Duy mà các nhân viên khác như chị Phương, chị Tú cũng bị công ty nợ lương với tổng số tiền hơn 34 triệu đồng.
Chị Trần Thị Thanh Hồng, nhân viên giúp việc nhà của Công ty Sản xuất Quảng cáo Đầu tư và Phát triển dịch vụ PRO (quận Tân Bình-TPHCM), cũng bị nợ lương. Hợp đồng dịch vụ với khách hàng chấm dứt, công ty buộc chị (được phân công đến nhà khách hàng để chăm sóc bệnh nhân) phải ký cam kết không được làm việc cho khách hàng này nữa, nếu tiếp tục thì phải bồi thường cho công ty 50 triệu đồng. Do Hồng chưa ký cam kết nên công ty không trả lương tháng 11-2011 cho chị.
Trường hợp hai chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết và Nguyễn Thị Tú Nguyên, nhân viên kế toán Công ty CP Đầu tư phát triển TM Vina Phát (quận Phú Nhuận-TPHCM), cũng vậy. Tổng số tiền lương mà công ty còn nợ hai chị là gần 12 triệu đồng.
Hứa trả đầy đủ!
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Trọng Huy, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Đầu tư Sông Đà Sao Việt, thừa nhận có việc trễ lương nhân viên. Ông Huy cam kết sẽ trả dứt điểm tiền lương cho anh Duy, chị Phương và chị Tú… trong năm 2011.
đại diện Công ty Sản xuất Quảng cáo Đầu tư và Phát triển dịch vụ PRO cho biết sau khi tiếp nhận phản ánh của người lao động, công ty đã liên lạc với chị Hồng. Hai bên đã bàn bạc, thỏa thuận đến ngày 5-1-2012, chị Hồng sẽ trở lại công ty ký cam kết và nhận lương.
Riêng vụ việc tại Công ty CP Đầu tư phát triển TM Vina Phát, ngày 19-12, chúng tôi đã tiếp xúc với bà Lê Thị Phượng (thủ quỹ) và bà Cái Ngọc Tuyết Trinh (nhân viên hành chính nhân sự). Tuy nhiên, câu trả lời của họ là “đầu tháng 12-2011, công ty đã làm việc với người lao động tại Phòng LĐ-TB-XH quận Phú Nhuận nên nay không cung cấp thông tin nữa, báo chí muốn nắm rõ thì liên lạc với người lao động để biết thêm”. Chúng tôi đã xác minh và được biết trước đó, tại Phòng LĐ-TB-XH quận Phú Nhuận, bà Phượng và bà Trinh có hứa sẽ lần lượt trả lương cho chị Nguyên, chị Tuyết vào ngày 23 và 27-12. Tuy nhiên, khi đến làm việc với cơ quan chức năng, cả hai bà đều không có giấy ủy quyền đại diện của công ty.
“Chúng tôi đi làm là mong được nhận lương để sống. Vậy mà bây giờ phải chầu chực như ăn xin, thật khổ”- anh Võ Thanh Duy than thở.
Luật sư Nguyễn Thị Anh Đào, Trưởng Văn phòng Luật sư Công đoàn: Được miễn án phí Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải thanh toán tiền lương và các quyền lợi khác cho người lao động trong vòng 7 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không quá 30 ngày. Nếu doanh nghiệp không thanh toán, người lao động nên gửi đơn đến cơ quan lao động nơi công ty có trụ sở yêu cầu hòa giải vụ việc. Nếu hòa giải không thành, người lao động có quyền kiện ra tòa. Khi kiện để đòi lương, người lao động được miễn án phí. |
Bình luận (0)