"Qua dữ liệu thu thập được, chúng tôi nhận thấy các cơ sở phúc lợi cho công nhân (CN) thường nằm xa khu vực họ sống và làm việc. Trong khi đó, các dịch vụ do tư nhân cung cấp mỗi ngày một nhiều xung quanh các KCX-KCN nhưng thông tin đến CN còn quá ít. Từ đó ý tưởng xây dựng một ứng dụng công nghệ (App) tập hợp các địa điểm phúc lợi, vui chơi giải trí, học tập, nhà trọ, việc làm, trợ giúp pháp lý… được hình thành". PGS-TS Nguyễn Đức Lộc (Trường Đại học Thủ Dầu Một), chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về phúc lợi xã hội cho thanh niên CN, đã cho biết như vậy. Đề tài do Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM và Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM chủ trì.
Với ứng dụng về phúc lợi xã hội, người lao động sẽ tiếp cận được nhiều thông tin thiết thực
Nhiều tiện ích cho công nhân
Theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, ứng dụng chạy trên nền tảng định vị GPS và tìm kiếm các địa điểm mà CN cần tìm. "Một mặt chúng tôi thu thập dữ liệu để đưa vào ứng dụng, mặt khác tranh thủ trí tuệ của chính CN khi cho phép họ cùng tương tác và đóng góp thêm thông tin, thêm địa chỉ cho ứng dụng" - ông Lộc cho hay.
Trên cơ sở đó, ứng dụng tạo lập một giả định không gian xã hội trên mạng. Các cá nhân tham gia ứng dụng có khả năng hỏi đáp nhanh, người đưa ra câu hỏi, người khác có kinh nghiệm sẽ trả lời. Chính CN sẽ trao đổi cho nhau các kinh nghiệm từ chỗ làm, chăm sóc sức khỏe cho đến pháp luật lao động. Tất nhiên cũng cần đến vai trò tư vấn của các cơ quan, chuyên gia chính thức được tích hợp luôn trên ứng dụng.
Với ứng dụng về phúc lợi xã hội, người lao động sẽ tiếp cận được nhiều thông tinthiết thực
Thông qua ứng dụng, nhiều CN có thể chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau. Điển hình nhất là vấn đề nhà trọ, CN không hài lòng có thể đánh giá (đánh sao) về chất lượng của từng nhà trọ. Điều này một mặt cung cấp thông tin cho CN biết chất lượng nhà trọ để quyết định trước khi thuê, một mặt tạo áp lực cho chủ nhà trọ phải không ngừng nâng cấp dịch vụ của mình.
Ghi nhận từ nghiên cứu cũng cho thấy một bộ phận CN trẻ đang bắt đầu khai thác mạng xã hội cho các công việc làm thêm như mua bán hàng online. Trước thực tế này, ứng dụng cũng hướng tới việc kết nối các cá nhân lại với nhau. Chẳng hạn khi tạo các tài khoản cá nhân trên ứng dụng, những lúc cuối tuần, CN có thể đăng thông tin tìm kiếm việc làm thời vụ, bán hàng online… để có thêm thu nhập.
Ngoài việc cung cấp tiện ích cho CN, ứng dụng còn tạo ra một bộ cơ sở dữ liệu phong phú để thực hiện các nghiên cứu về CN. Thông qua việc tổng hợp các lựa chọn, đánh giá của CN, ứng dụng có thể ghi nhận được xu hướng phúc lợi xã hội mà CN đang mong muốn, thừa thiếu ra sao, chất lượng thế nào để các đơn vị liên quan có thể xử lý phù hợp, kịp thời. "Thực tế, mỗi khi cần thông tin, các cơ quan nhà nước phải tiến hành các khảo sát truyền thống mất thời gian và tốn kém chi phí. Ở đây với khả năng khảo sát nhanh qua ứng dụng, chúng tôi sẵn sàng hợp tác, chia sẻ hay chuyển giao cho các cơ quan, đơn vị có nhu cầu" - ông Lộc nhấn mạnh.
Hình thành thói quen sử dụng công nghệ
Hiện nay, điện thoại thông minh ngày càng được nhiều CN sử dụng. Tuy nhiên không phải ai cũng biết khai thác các thế mạnh từ công nghệ cho cuộc sống của mình. Việc khai thác thông tin cho các nhu cầu thiết yếu của CN qua internet vẫn còn khiêm tốn và phần đông vẫn sử dụng các cách thức truyền thống để tìm kiếm thông tin.
Từng là thợ may cho Công ty Nhật Tân (quận Bình Tân, TP HCM), hiện anh Trần Thanh Tâm đã chuyển sang nghề bán điện thoại cho các cửa hàng. Anh Tâm cho biết ngày càng nhiều CN sử dụng điện thoại thông minh nhưng phần lớn chỉ sử dụng điện thoại để chat, gọi điện cho người thân, xem phim, nghe nhạc... "Có lần tôi chở một người bạn làm việc tại KCN Tân Tạo đến một quán cà phê hát với nhau. Đi giữa đường chúng tôi bị lạc, tôi liền lấy điện thoại ra tìm đường đi. Thế nhưng, bạn tôi bảo rằng việc đó phiền phức, cứ xáp vô hỏi người dân thì cũng tới nơi!" - anh Tâm kể. Theo anh Tâm, nếu có một ứng dụng như vậy, để có thể đi vào đời sống CN, phải bắt đầu từ những nhu cầu rất thiết thực. Bên cạnh đó cần hướng dẫn CN cách sử dụng và dần hình thành thói quen sử dụng công nghệ để tìm kiếm thông tin. Đây không phải là việc đơn giản.
Còn với anh Lâm Quốc Yến, chuyên viên Trung tâm Hỗ trợ thanh niên CN TP HCM, các thông tin về phúc lợi xã hội hay giải trí tinh thần của anh chị em thanh niên CN phần nhiều vẫn đến từ cách thức truyền thống như truyền miệng, dựa vào các mạng lưới quen biết từ bạn bè, đồng nghiệp, người thân. Khi có việc cần thì hỏi nhau nên thông tin vì vậy cũng không đầy đủ. Ví dụ như khi cần chỗ giữ trẻ, CN hỏi thăm nhau địa chỉ rồi dựa vào uy tín của người giới thiệu để gửi con. Như vậy người ta sẽ không biết là có thể trong khu vực sẽ còn có những điểm giữ trẻ tốt hơn hoặc rẻ hơn để lựa chọn.
Anh Yến đề nghị để ứng dụng phúc lợi được CN hưởng ứng, cần phải gần gũi với đời sống CN. Theo anh, phần đông anh chị em CN làm việc vất vả, cũng không có nhu cầu quá cao sang. Họ chỉ cần nhà trọ, địa điểm gửi trẻ, vé xe, các thông tin giảm giá, khuyến mãi của các cửa hàng, địa điểm ăn uống, mua sắm...cùng các dịch vụ phúc lợi mới thực sự hấp dẫn CN.
Khuyến khích công nhân dùng thử
Theo ông Nguyễn Đức Lộc, để CN có thể làm quen với ứng dụng, có thể sử dụng chính nguyên lý truyền thông đặc thù của CN để thực hiện. Cụ thể bắt đầu bằng việc khuyến khích CN dùng thử, thấy có lợi ích, họ sẽ tự giới thiệu, lan truyền cho nhau qua từng cụm, mạng lưới đồng nghiệp, bạn bè của mình. Trước mắt, ứng dụng đang chạy thử trên nền tảng website với địa chỉ ican.com.vn. Sang tháng 11-2017 sẽ bắt đầu triển khai ứng dụng vào điện thoại thông minh.
Bình luận (0)