Hai năm trước, công ty của tôi có giám đốc mới.
Ngay khi nhậm chức, ông đã có một bài phát biểu khá dài và chúng tôi thuộc nằm lòng câu nói của ông: "Mục tiêu của chúng ta là xây dựng công ty trở thành ngôi nhà chung của mình, tất cả đều phải làm việc với tinh thần của một người chủ". Câu nói của sếp có hàm ý là muốn mọi người xem công ty như gia đình mình, phải cố công vun đắp, xây dựng để công ty ngày càng phát triển, đời sống người lao động ngày càng tốt đẹp hơn.
Sâu xa là vậy nhưng rất nhiều người trong công ty lại hiểu theo nghĩa khác. Trước tiên là các cán bộ quản lý. Vì công ty là "ngôi nhà chung" nên họ cư xử với nhân viên theo cách của gia đình. Nghĩa là có một người đóng vai… cha mẹ, có quyền ra lệnh, quát tháo, mắng mỏ, phạt vạ những thành viên còn lại. Khi có ai đó phản đối thì bị quy chụp là vô lễ, hỗn hào, bất tuân thượng lệnh và đương nhiên là bị cho vào sổ bìa đen.
Biểu hiện thứ hai của phương châm "ngôi nhà chung" bộc lộ rõ nét nơi các trưởng bộ phận trong việc "lấn sân" sang bộ phận khác. Đại để là trưởng bộ phận A luôn nghĩ rằng mình cũng có quyền quản lý, lãnh đạo nhân viên của bộ phận B. Thay vì phối hợp hoạt động thì họ lại trực tiếp yêu cầu, ra lệnh cho nhân viên các bộ phận khác phải làm theo mệnh lệnh của mình. Chính vì vậy mà thường xuyên xảy ra tình trạng va chạm, xích mích giữa các sếp bộ phận với nhau khi bỗng dưng lính mình bị người khác ăn hiếp. Các vị này quên rằng chức vụ được giao chỉ giới hạn trong phạm vị được phân công chứ không phải toàn bộ công ty.
Vì là "ngôi nhà chung" nên có tình trạng nhân viên tùy tiện hành xử… như ở nhà mình. Có người quăng vứt đồ đạc bừa bộn nơi làm việc, có người mang vật dụng của công ty về nhà sử dụng riêng; nếu bị bắt gặp thì họ sẽ bảo rằng "mượn" nhưng nếu trót lọt, không ai thấy thì các vật dụng ấy của công ty một đi không trở lại…
Trên đây chỉ là tổng kết vui của một trưởng phòng trong cuộc thuyết trình tổ chức mới đây nhân kỷ niệm ngày thành lập công ty. Nghe xong, mọi người ngớ ra nhìn nhau. Hình như ai cũng thấy bóng dáng mình trong những câu chuyện vừa được kể. Cả sếp giám đốc cũng phải gật đầu thừa nhận một thực tế là khái niệm "ngôi nhà chung" đã bị hiểu một cách méo mó. Ông nói: "Từ giờ chẳng có nhà chung, nhà riêng gì nữa mà chỉ cần chúng ta đồng tâm hiệp lực đưa công ty ngày càng phát triển. Ai làm giỏi được thưởng, làm dở bị phạt. Đơn giản vậy thôi".
Mọi người nhìn nhau rồi vỗ tay rần rần. Đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu vậy thôi chứ văn vẻ, dài dòng đôi khi lại phản tác dụng.
Bình luận (0)