Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Saudi cho biết gần đây, có nhiều gia đình người địa phương và các công ty môi giới trực tiếp hoặc gọi điện đến sứ quán đề nghị được tư vấn, giới thiệu để tiếp nhận lao động giúp việc gia đình (GVGĐ) từ Việt Nam.
Nhu cầu cao do bị cắt cung ứng
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Saudi, hiện có khoảng 3.000 nữ GVGĐ Việt Nam đang làm việc ở Ả Rập Saudi. Số lao động này chủ yếu đi hợp pháp, thông qua hợp đồng ký kết với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động. Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết nhu cầu tiếp nhận lao động GVGĐ Việt Nam của Ả Rập Saudi rất lớn; thời gian qua, một số DN gia tăng tuyển dụng, ký kết được nhiều hợp đồng. Chỉ riêng tháng 5-2014, cục đã thẩm định hợp đồng, cho phép gần 10 DN tuyển nữ GVGĐ sang Ả Rập Saudi. Theo hợp đồng ký kết, lương của lao động GVGĐ sang Ả Rập Saudi từ 1.200-1.300 SR/tháng (khoảng 6,6 triệu đến 7,1 triệu đồng). Người lao động (NLĐ) được chủ sử dụng chu cấp vé máy bay, không phải đóng phí môi giới, phí dịch vụ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Ả Rập Saudi cần nhiều lao động GVGĐ Việt Nam do mất nguồn cung từ các nước như Indonesia, Sri Lanka, Philippines… Các nước này đang tạm dừng đưa lao động GVGĐ sang Ả Rập Saudi vì thu nhập thấp, quyền lợi của NLĐ không được bảo đảm, điều kiện làm việc hà khắc, bị phân biệt đối xử, không được pháp luật bảo vệ. Trong tình hình trên, Việt Nam là ưu tiên số 1 của Ả Rập Saudi.
Nhiều rủi ro
Tỉ lệ rủi ro của lao động GVGĐ ở Ả Rập Saudi chiếm khoảng 10%. Theo đánh giá của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Ả Rập Saudi, các vụ việc rủi ro của lao động GVGĐ Việt Nam tại thị trường này thời gian qua như bị trả lương thấp, bị ngược đãi xuất phát từ nhiều nguyên nhân, phổ biến là NLĐ bị chủ giao việc không đúng hợp đồng, công việc chưa phù hợp hoặc quá sức; NLĐ bị ốm đau không được chăm sóc y tế; bị chủ trả thiếu hoặc nợ lương, không gửi được lương về gia đình… Các rủi ro trên không được DN can thiệp, hỗ trợ kịp thời.
Giám đốc một DN xuất khẩu lao động tại TP HCM cho rằng cần cân nhắc việc đưa lao động GVGĐ sang Ả Rập Saudi, nhất là trong điều kiện các nước tạm dừng cung cấp vì quyền lợi của NLĐ không bảo đảm. “Ở một đất nước khác biệt về văn hóa, tôn giáo, thu nhập lại không cao, thậm chí bị ngược đãi, phân biệt đối xử thì không nên đưa NLĐ đi” - vị này nói.
Ồ ạt tuyển dụng, rủi ro càng lớn
Theo khuyến cáo của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Ả Rập Saudi, trong bối cảnh nước này đang khát lao động GVGĐ, nếu không làm chặt chẽ mà ồ ạt tuyển dụng thì rủi ro càng lớn mà người gánh chịu vẫn sẽ là NLĐ. Đã từng xảy ra hiện tượng DN vội vàng tuyển dụng, đưa cả những đối tượng không phù hợp về tuổi tác, kinh nghiệm tay nghề, sức khỏe sang Ả Rập Saudi và hậu quả là rủi ro hợp đồng xảy ra, NLĐ trắng tay về nước.
Bình luận (0)