Theo Bộ LĐ-TB&XH, công nhân thuộc khu vực doanh nghiệp vẫn được tăng lương theo lộ trình
- Ảnh: THANH ĐẠM
"Với những người sống hoàn toàn bằng lương, khi giá cả tăng (trong đó có nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện nước) mà lương không tăng thì khó khăn của họ sẽ lớn hơn nhiều. Tăng lương đã có lộ trình, nếu quyết định dừng đột ngột sẽ ảnh hưởng trực tiếp đời sống người lao động" Ông Đặng Quang Điều |
* Lương không đủ sống nhưng có khó khăn thì nghĩ ngay đến việc ngừng tăng lương. Lý do: nhiều người nói thời gian qua công chức vẫn sống tốt đó thôi. Đây có phải là điều hợp lý?
- Theo tôi, nói lương không đủ sống nhưng sao thời gian qua công chức vẫn sống tốt cũng chỉ là một cách nói. Rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức phải làm thêm, tìm mọi cách có thêm thu nhập. Họ vẫn sống tốt vì phải dựa vào nhiều nguồn khác. Nói chung cán bộ, công chức nào cũng phải “làm thêm”, “thu nhập thêm bên ngoài”... chứ chỉ lương không thì không thể sống nổi.
* Có phải lương thấp đang dẫn đến tình trạng rất khó giải quyết như dạy thêm ở giáo viên, phong bì ở bác sĩ, rồi hạch sách đòi bồi dưỡng ở một nhóm công chức?
- Công chức có nhiều cách kiếm thêm để tăng thêm nguồn thu, họ phải tìm mọi cách để có thêm thu nhập...
* Ông nói thế nào nếu cứ để tình trạng lương công chức, viên chức không đủ sống như hiện nay?
- Tôi nghĩ khó khăn là khó khăn chung, người ăn lương cũng như Nhà nước đều khó. Nếu bây giờ khó khăn trong thu ngân sách, rồi quyết định ngừng tăng lương thì nó sẽ tác động đến tiêu dùng của một bộ phận không nhỏ. Tiền lương thấp, sức mua thấp, doanh nghiệp không bán được hàng, không có tiền nộp thuế. Nếu Nhà nước vì khó khăn mà không tăng lương, tôi e chúng ta lại lâm vào vòng luẩn quẩn: người dân thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp không bán được hàng, thu nhà nước lại thấp đi. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ. Theo tôi, việc dừng tăng lương do thu ngân sách khó khăn sẽ là lợi bất cập hại. Giải pháp không tăng lương có thể mang lại bất lợi nhiều hơn cho nền kinh tế.
* Bộ Tài chính nói không có tiền thì không lấy đâu ra chi. Nói như vậy liệu có ổn không?
- Theo tôi, Bộ Tài chính cần đảm bảo, chứ không thể nói không có được. Trong bối cảnh khó khăn, Bộ Tài chính nên rà soát xem cái nào quan trọng hơn để tập trung tiền. Thiết nghĩ đầu tư cho con người phải được ưu tiên. Tóm lại, trong tình hình hiện nay chúng ta cần giữ nguyên lộ trình tăng lương bởi tăng lương cũng là biện pháp an sinh xã hội, là chính sách bảo vệ những nhóm lao động đang hưởng lương thấp trước những biến động, cú sốc kinh tế.
Lương khu vực doanh nghiệp vẫn tăng theo lộ trình Bà Tống Thị Minh, vụ trưởng Vụ Tiền lương - tiền công (thuộc Bộ LĐ-TB&XH), cho biết việc tăng lương trong khu vực doanh nghiệp vẫn sẽ thực hiện đúng với lộ trình. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ một trong ba phương án tăng lương tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp và đang chờ Chính phủ phê chuẩn. Trước đó, trong tháng 8-2012 Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra hai phương án tăng lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp để lấy ý kiến nhiều bên. Hai phương án tăng lương tối thiểu gồm: phương án 1, cao nhất là 2,7 triệu đồng (áp dụng cho vùng I); phương án 2, cao nhất là 2,5 triệu đồng (qua khảo sát lấy ý kiến đã có thêm phương án 3 là 2,4 triệu đồng). Theo lộ trình, Chính phủ sẽ công bố điều chỉnh lương tối thiểu vùng trong các loại hình doanh nghiệp vào tháng 10-2012 và thực hiện từ ngày 1-1-2013. Bà Tống Thị Minh cũng khẳng định việc Bộ Tài chính đề nghị không tăng lương và Quốc hội đang bàn thuộc khu vực hành chính - sự nghiệp, đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Hoàn toàn không liên quan đến khu vực doanh nghiệp, vì đối tượng hưởng lương từ nguồn ngân sách của doanh nghiệp. Theo quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH, thực tế hiện nay mức lương tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp mới chỉ đáp ứng được 57-63% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Vì vậy, năm 2013 cần thiết phải điều chỉnh mức lương tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp theo đúng quy định của Bộ luật lao động và kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (ngày 29-5-2012). HỒ VĂN |
Bình luận (0)