Ngày 16-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã thảo luận và cho ý kiến đối với các báo cáo của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2012, kế hoạch năm 2013. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết không bố trí nguồn thực hiện tăng lương theo lộ trình. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý hoãn tăng lương trong năm 2013
Thiếu tiền cũng phải tăng lương
1,7 triệu đồng. Ảnh: TẤN THẠNH
Tuy nhiên, trong dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết không bố trí nguồn thực hiện tăng lương theo lộ trình do thu chi ngân sách gặp nhiều khó khăn. Đề xuất này không nhận được sự đồng tình của các đại biểu QH, dù trong báo cáo thẩm tra đã nhận được sự đồng thuận của số đông. Trong đó, một số ý kiến cho rằng dù khó khăn về ngân sách cũng cần phải thực hiện một phần lộ trình tăng mức lương tối thiểu chung lên 1,15 triệu đồng và phụ cấp công vụ từ 25% lên 30% kể từ ngày 1-5-2013. Nguồn bố trí tăng thêm sẽ lấy từ việc tăng thu nội địa và dầu khí.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, ông Phùng Quốc Hiển, nhấn mạnh: Muốn kích thích tiêu dùng phải thực hiện tăng lương ít nhất 100.000 đồng/tháng. Nếu tăng lương từ ngày 1-5-2013 tương ứng với 33.000 tỉ đồng, trường hợp khó khăn quá có thể tăng từ ngày 1-7 thì tương ứng với khoảng 20.000 tỉ đồng. Theo tính toán của ông Hiển, mục tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được, dựa vào nguồn tăng thêm do điều chỉnh giá dầu thô và cắt một số khoản chi khác.
Không tăng, 22 triệu người bị ảnh hưởng
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai đề nghị cần quyết sớm việc tăng lương tối thiểu để DN chuẩn bị nguồn. Nếu khó khăn không quyết được cũng cần thông báo để người lao động chuẩn bị tinh thần. Nhưng rõ ràng, nếu không tăng lương như đúng lộ trình thì 22 triệu người dân sẽ bị ảnh hưởng, không bảo đảm được yêu cầu là lương tối thiểu đáp ứng đủ nhu cầu tối thiểu. “Tôi rất băn khoăn vấn đề này, đề nghị Chính phủ phải tính toán sao cho năm sau có điều kiện bất cứ lúc nào là tăng lương ngay” - bà Trương Thị Mai nói.
Tồn kho bất động sản khoảng 1 triệu tỉ đồng Bức tranh kinh tế năm 2012 được Chính phủ đánh giá bằng nhiều nét ảm đạm như hàng tồn kho lớn, nợ xấu ngân hàng tăng cao, tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn nhiều năm trước. Điểm đáng lưu ý là trong báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, Chính phủ thừa nhận có 5 trong tổng số 10 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra và đều là những chỉ tiêu cơ bản nhất.
Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỉ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tạo việc làm, giảm hộ nghèo và che phủ rừng. Trong đó, tăng trưởng GDP ước chỉ đạt 5,2% so với mục tiêu đề ra là 6%-6,5%, tạo thêm 1,57 triệu việc làm mới trong khi mục tiêu là 1,6 triệu.
Một vấn đề khiến nhiều đại biểu lo ngại là vẫn chưa có đánh giá đúng mức về hàng tồn kho, đặc biệt là tồn kho bất động sản và nợ xấu ngân hàng, trong khi đây chính là nút thắt lớn nhất của nền kinh tế. Theo ước tính của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, tồn kho bất động sản đã lên tới khoảng 1 triệu tỉ đồng và “đây chính là thứ tốn tiền nhất, một cái kho lớn nhất. Nếu không giải phóng được chỗ này thì nợ ngân hàng không thể giải quyết được”. Trước những tồn tại trên, Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng Chính phủ vẫn chưa làm rõ các nguyên nhân chủ quan từ điều hành vĩ mô. Để khắc phục những tồn tại này, Chính phủ đề ra 9 nhóm giải pháp nhằm bảo đảm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng hợp lý trong năm 2013 với các chỉ tiêu cơ bản là lạm phát cả năm 7%-8%, tăng trưởng GDP 5,5%... |
Bình luận (0)