“Năng suất lao động thấp cần được mổ xẻ, phân tích khách quan, không thể đổ lỗi cho người lao động (NLĐ)” - ông Hùng bày tỏ. Để củng cố quan điểm của mình, ông Hùng không ngần ngại chỉ ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến năng suất lao động thấp, gồm: Thiết bị, công nghệ lạc hậu; khả năng quản trị ở doanh nghiệp (DN) còn yếu kém và tỉ lệ NLĐ có bằng cấp, chứng chỉ thấp (chỉ đạt trên 20%).
Phân tích của ông Hùng hoàn toàn có cơ sở bởi theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của một quốc gia trước hết phụ thuộc vào mức độ hiệu quả sử dụng lao động kết hợp với các yếu tố sản xuất khác, trong đó có máy móc và công nghệ mà NLĐ của quốc gia đó được sử dụng. Thực tế, ở nhiều DN, nhất là DN thâm dụng lao động, chủ trương nhập khẩu thiết bị, công nghệ lạc hậu là nguyên nhân chính khiến năng suất lao động của NLĐ không được cải thiện. Trừ những khâu quan trọng phải tuyển dụng lao động có bằng cấp, nhiều DN vẫn chuộng sử dụng lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề bởi sẽ giảm được không ít chi phí tiền lương, đặc biệt là các khoản bảo hiểm.
Bên cạnh đó, nhiều DN chưa quan tâm đầu tư kinh phí đào tạo nghề cho công nhân (CN) do ngại tốn kém, chưa kể tâm lý sợ CN sau khi được đào tạo sẽ bỏ sang làm việc cho DN khác. Xuất phát điểm thấp, chưa nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ DN nên kiến thức, trình độ tay nghề của bộ phận lớn CN giẫm chân tại chỗ. Ông Trần Duy Hy, Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân (TP HCM), nhìn nhận: “Đừng đòi hỏi năng suất lao động CN cao nếu DN vẫn sử dụng thiết bị, công nghệ lạc hậu và thiếu quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng nguồn lực”.
Đầu tư cho nguồn lực là vấn đề sống còn, nhất là trong xu thế hội nhập. “Ngoài việc công khai, minh bạch trong tuyển dụng nhân lực, bảo đảm tuyển đúng người, đúng việc, gắn với đào tạo nghề cho NLĐ, các DN cần phải dứt khoát chấm dứt tình trạng nhập khẩu thiết bị, công nghệ lạc hậu và nâng cao hiệu quả quản trị DN” - ông Hùng đề nghị.
Bình luận (0)