Ông kể bất kỳ CN nào vào ở nhà lưu trú cũng được thông tin về nội quy, quy định rất kỹ, đặc biệt vấn đề giữ vệ sinh chung, bỏ rác đúng nơi quy định. CN khi vào ở cũng cam kết sẽ chấp hành tốt mọi quy định. Thế nhưng, phía sau đó là bao việc đau đầu.
Nhà lưu trú có khu vực để rác và có nhân viên công ty vệ sinh đến thu gom, đổ rác hằng ngày, vậy mà thay vì bỏ rác sinh hoạt vào điểm tập kết, nhiều CN lại nhét chúng vào các thùng rác nhỏ ở những lối đi. Không nhét được vào thì họ để bên cạnh thùng rác, mặc cho rác rơi vãi tứ tung, tràn ra lối đi. Quản lý nhà lưu trú kể mới đây đi kiểm tra, ông chứng kiến tận mắt cảnh nhiều CN tiện đâu vứt đấy. Một CN xách 2 bịch rác to xuống chỗ tập kết rác. Trên đường đi, nhìn qua nhìn lại không thấy ai, anh này vứt nhanh ngay lối đi. Quản lý phải kêu lại, bảo anh mang rác bỏ đúng nơi quy định. Anh chàng chần chừ, đứng thừ người gãi đầu gãi tai một hồi rồi mới chịu mang 2 bịch rác để đúng chỗ.
Nhà lưu trú thường nhận CN nữ nhiều hơn CN nam vì đây là đối tượng dễ gặp bất trắc, khó khăn trong việc tìm nhà trọ, tìm người ở ghép. Vì có quá nhiều CN nữ, nhất là CN nữ ý thức kém, mà nhà lưu trú đã gặp nhiều rắc rối. Mới đây, hệ thống nhà vệ sinh của nhà lưu trú bị nghẹt, phải nhờ công ty bên ngoài đến xử lý. Khi nhân viên công ty xử lý hầm cầu hút lên thì ai cũng ngỡ ngàng vì toàn băng vệ sinh.
"Chẳng biết các em ngại ngùng hay do thói quen tiện đâu vứt đấy mà nhiều em cứ bỏ băng vệ sinh vào bồn cầu và giật nước. Nhà lưu trú phải mất hơn 100 triệu đồng để xử lý mấy trường hợp này. Nói ra điều này, tôi cũng ngại nhưng thật lòng tôi mong muốn anh chị em CN có ý thức hơn, biết vì cái chung và đừng mang những thói quen lạc hậu ở thôn quê vào cuộc sống đô thị hiện đại. Những việc làm này tưởng đâu nhỏ nhưng hậu quả không nhỏ chút nào!" - vị quản lý nhà lưu trú chia sẻ.
Bình luận (0)