Sau chương trình bán hàng cho công nhân (CN) tại Công ty Pou Yuen (100% vốn nước ngoài; quận Bình Tân, TP HCM) mới đây, một thành viên ban tổ chức đã gọi ngay cho nhà cung cấp hàng: “Nếu nhân viên không có tiền mua giày thì báo cho tôi biết chứ sao lại mang dép lê đi làm? Một công ty lớn mà có những nhân viên thiếu chuyên nghiệp như thế ư?”. Trong giai đoạn hội nhập nhưng người lao động có ý thức kém như anh nhân viên giao hàng này không phải hiếm.
Công nhân vừa làm vừa đeo tai nghe để nghe nhạc
Tùy tiện, vô kỷ luật
Chuyện là trước đó, khi chương trình bán hàng đang diễn ra, mọi người nghe tiếng lẹt xẹt rất to, quay ra nhìn mới biết anh nhân viên giao hàng đi dép lê và kéo dép rất mạnh. Chưa kể vừa đi vừa phì phèo thuốc lá nơi đông nữ CN, có nhiều chị đang mang bầu. Và thành viên ban tổ chức đã nhắc nhở anh không nên đến làm nữa nếu không thay đổi được những thói quen xấu.
Khi hỏi về những khuyết điểm của CN hiện nay, quản lý của một doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao (quận 9, TP HCM) lắc đầu: “Nói về những tính xấu của CN thì kể cả ngày cũng chưa hết nhưng nổi bật nhất là tính vô kỷ luật. CN vừa làm việc vừa nói chuyện rất nhiều và rất to. Chưa kể, có tình trạng CN vừa làm việc vừa chat, nhắn tin, xem Facebook trên điện thoại mà bỏ qua thao tác. Do sản xuất các mặt hàng công nghệ cao nên dù một sợi tóc cũng không được để rơi vào sản phẩm, công ty quy định CN khi làm việc phải đội nón nhưng ca ngày, CN còn chấp hành tốt chứ ca đêm thì không đội nón đồng phục”.
Ở công ty Nhật Bản, vệ sinh là vấn đề nghiêm ngặt. Vì thế, công ty có nhà ăn và việc ăn uống chỉ được diễn ra trong nhà ăn. Thế nhưng, rất nhiều CN làm việc ca đêm lại mang thức ăn vào ăn trong xưởng. Nhắc đến vấn đề vệ sinh, vị quản lý này cho biết ở công ty có phân biệt thùng rác giấy, rác ni-lông, rác thải nguy hại (có dán chữ bên ngoài cẩn thận) nhưng CN tiện tay thì bỏ loại này qua loại kia. “Dù việc phân loại rác này nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng CN vẫn để ngoài tai vì cho rằng đó không phải là việc của mình” - anh quản lý ái ngại.
Nhắc đến ý thức của CN, trưởng phòng nhân sự của một công ty may tại quận Gò Vấp (TP HCM), than thở: “Cả công ty vừa có một phen hú vía tưởng đâu chết cháy hết rồi”. Do là công ty may nên có rất nhiều nguyên phụ liệu dễ cháy, công ty cấm CN hút thuốc. Thế nhưng, có CN nam vẫn vào nhà vệ sinh hút thuốc và quăng gạt tàn vào thùng rác. Tàn thuốc bắt cháy, còi báo động hú inh ỏi, CN bỏ chạy tán loạn. “Việc làm rất nhỏ nhưng hậu quả là khó lường. Sau đó, Công đoàn và công ty có tổ chức họp kỷ luật anh CN này ở mức khiển trách, hạ thưởng vào cuối năm” - chị trưởng phòng nhân sự cho biết.
Từ lãng phí đến ăn cắp vặt
Ngày đầu tiên bước vào công ty, tất cả CN của một công ty điện tử tại KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM) đã được chỉ dẫn, kêu gọi tiết kiệm điện, nước; tất cả vòi nước đều có biểu thị kêu gọi tiết kiệm nước, tất cả công tắc đèn đều có biểu thị tiết kiệm điện nhưng CN sử dụng rất “vô tư”. “CN bước vô nhà vệ sinh mở vòi nước tối đa để rửa tay rồi đứng chải tóc mặc cho nước chảy. Ở máy uống nước của công ty, CN dùng rửa tay, rửa ly, có CN lấy cả ly nước nhưng chỉ uống một chút rồi đổ bỏ. Sở dĩ CN ứng xử như vậy vì có tâm lý “cha chung không ai khóc”; điện, nước là của công ty nên cứ xài thoải mái. Sao họ không nghĩ nếu tiết kiệm cho công ty thì công ty có lãi, thu nhập của họ cũng sẽ nâng cao” - một vị quản lý băn khoăn.
Không chỉ lãng phí, nhiều CN có thói quen xấu là ăn cắp vặt. Họ lấy trộm những thứ lặt vặt như giấy vệ sinh, băng keo, báo chí, thậm chí mang theo chai hứng nước đem về nhà dùng. Từ việc ăn cắp vặt, một số người còn có ý gian lận để lấy tiền của công ty. Một nhân viên phòng kế toán của công ty sản xuất thiết bị y tế tại quận 1 (TP HCM) kể mới đây chị lâm vào cảnh phập phồng vì sợ đồng nghiệp trả thù. Chị phát hiện một anh nhân viên phụ trách mua sắm thiết bị cho công ty có tật xấu là kê khai giá lên để ăn tiền chênh lệch. Ban đầu chỉ là một số tiền nho nhỏ nhưng rồi số tiền lớn dần, thậm chí gấp đôi giá thật của sản phẩm.
“Tôi là người duyệt chi cho anh ta nên ban đầu thấy số tiền cũng không đáng là bao nên bỏ qua. Nhưng anh ta càng ngày càng làm quá, khi tôi không đồng ý duyệt chi thì anh to tiếng, chửi bới cho là nhân viên văn phòng chỉ biết ngồi phòng máy lạnh, ăn sung mặc sướng thì làm sao biết thương CN làm việc cực khổ ngoài hiện trường và hăm he trả thù tôi. Ban đầu, tôi cũng rất lo lắng nhưng sau đó quyết tâm đem việc này lên trình bày cho giám đốc biết. Khi sự việc được phơi bày, nhiều đồng nghiệp trong công ty đã đứng về phía tôi, bảo vệ tôi” - nữ nhân viên phòng kế toán cho biết.
Văn hóa ứng xử của doanh nghiệp Nhật
- Đối với công việc: tận tâm, tận lực.
- Đối với công ty: tận tụy, trung thành.
- Đối với khách hàng: tận tình, chu đáo.
- Đối với bản thân: tự trọng, cầu tiến.
- Đối với cấp dưới: thấu hiểu, gương mẫu.
- Đối với đồng nghiệp: tương trợ, cộng tác.
- Đối với cấp trên: tôn trọng, phục tùng.
- Đối với mọi người: trung thực, khiêm tốn.
Bình luận (0)