Tại buổi tọa đàm “Quy chế dân chủ cơ sở - cơ chế xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại nơi làm việc” do LĐLĐ quận 4, TP HCM tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đã đề cập việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp. Nhiều đại biểu cho rằng việc cán bộ Công đoàn (CĐ) kiêm nhiệm khi thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đều đụng phải tình thế nan giải nằm ở cơ chế thủ trưởng.
Ngại va chạm với thủ trưởng
Nhiều năm làm công tác CĐ, ông Lê Hữu Hiến - Chủ tịch CĐ cơ quan UBND phường 1, quận 4, TP HCM - đúc kết một thực tế là nhiều người rất ngại tham gia ban chấp hành CĐ. Phần lớn cán bộ CĐ là kiêm nhiệm, phụ cấp không bao nhiêu trong khi hoạt động thì luôn va chạm.
“Cái khó chủ yếu là ngại đụng chạm đến thủ trưởng cơ quan. Nếu chủ tịch CĐ là trưởng ban, ngành, đoàn thể thì góp ý thực hiện quy chế dễ hơn; còn cán bộ không chuyên trách góp ý thủ trưởng cơ quan thì thường xuyên rơi vào thế được lòng lãnh đạo thì mất lòng đoàn viên hoặc ngược lại. Mất lòng lãnh đạo thì hậu quả ra sao chắc ai cũng hiểu rồi” - ông Hiến bày tỏ.
Bà Phạm Thị Thúy Liễu, Trung tâm Y tế Dự phòng quận 4, cho rằng nếu lãnh đạo quan tâm thì thực hiện tốt quy chế dân chủ; nếu lãnh đạo không quan tâm, CĐ đấu tranh thì chắc chắn xảy ra chuyện mất lòng. Được lòng cấp trên thì mất lòng cấp dưới.
Theo bà Liễu, nên có sự gắn kết giữa cấp ủy, chính quyền với CĐ. Nếu chủ tịch CĐ không nằm trong cấp ủy thì sẽ khó đòi hỏi được quyền lợi cho đoàn viên. Thực tế, các đơn vị có nguồn thu thì kế toán và giám đốc biết chứ CĐ chỉ được báo cáo số liệu chung chung, không biết thu chi vào những việc gì. Nếu CĐ yêu cầu được biết thêm thì sẽ bị cho là đòi hỏi quá đáng. Bên cạnh đó, đa số hội nghị cán bộ, công chức thì CĐ chủ động làm chứ chờ chính quyền tổ chức thì không kịp tiến độ.
Bà Phạm Thị Nương, Bí thư Chi bộ Phòng Tư pháp quận 4, cũng đồng ý khi cho rằng nhiều lúc CĐ cứ “lí nhí” xin thủ trưởng cho làm cái này, cái kia, cứ phải đóng vai thấp hơn thủ trưởng đơn vị. Ở đây có phần kỹ năng của một số cán bộ CĐ còn yếu nên không chủ động được.
Công chức vi phạm, xử sao?
Bà Phạm Thị Nương đặt vấn đề ngược lại với cán bộ, công chức và người lao động tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Theo bà Nương, hiện nay, hợp đồng trách nhiệm tập thể (hay thỏa ước lao động) của các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp chỉ mới quan tâm đến chế độ phúc lợi như thế nào; đi chơi, nghỉ mát ở đâu… Trong khi đó, nếu cán bộ, công chức vi phạm hợp đồng này thì sao?
“Chẳng hạn, công chức chơi game trong giờ làm việc, bằng máy cơ quan thì thế nào? Rồi lơ là như vậy dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ thì xử ra sao? Thường chỉ mới xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức chứ chưa xử lý theo hợp đồng trách nhiệm. CĐ vẫn chưa giáo dục được đoàn viên trách nhiệm của mình khi ký kết hợp đồng trách nhiệm tập thể. Đã vậy, hết năm ký hợp đồng mới nhưng lại không kiểm điểm trách nhiệm cán bộ, công chức thực hiện hợp đồng cũ ra sao, dần dần nó đi vào hình thức” - bà Nương góp ý.
Theo ông Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch LĐLĐ quận 4, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở nhiều nơi vẫn còn sơ sài. Ông Long nhìn nhận: “Dù theo báo cáo khối hành chính, sự nghiệp 100% tổ chức hội nghị cán bộ, công chức nhưng chất lượng đã đạt yêu cầu chưa là điều đáng quan tâm. Rõ nhất là một số nơi hội nghị cán bộ, công chức lại lấy tài liệu của CĐ và CĐ vẫn phải chủ động tổ chức hội nghị. Bên cạnh đó, nhiều nơi hoạt động của ban thanh tra nhân dân còn lẫn lộn với ủy ban kiểm tra CĐ. Đây là một thực tế cần suy nghĩ”.
Bình luận (0)