"Sau khi làm việc với Báo Người Lao Động về khiếu nại của tôi, ngày 9-2, lãnh đạo chi nhánh đã liên tục ban hành 2 quyết định, trong đó có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với tôi. Việc làm này cho thấy lãnh đạo đơn vị xem thường pháp luật, xem thường cả cơ quan công luận". Trong đơn gửi các cơ quan chức năng TP HCM ngày 20-2, bà Võ Thị Hồng Nhung, nguyên nhân viên Chi nhánh của một Ngân hàng, bức xúc cho biết.
Tùy tiện điều chuyển
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, bà Nhung làm việc tại Chi nhánh từ năm 2002 với HĐLĐ không xác định thời hạn. Trong quá trình làm việc, bà Nhung luôn hoàn thành nhiệm vụ và chưa hề vi phạm kỷ luật lao động. Ngày 20-2-2017, bà Nhung nhận quyết định "điều động cán bộ" từ giám đốc chi nhánh chuyển từ nhân viên hậu kiểm phòng kế toán qua làm nhân viên hành chính văn thư tại phòng tổ chức hành chính. Từ đó đến tháng 12-2017, bà tiếp tục bị giám đốc chi nhánh điều chuyển lòng vòng và cuối cùng bị đẩy xuống làm nhân viên bảo vệ, giữ xe!
Bà Võ Thị Hồng Nhung với các quyết định điều động của giám đốc chi nhánh
"Quyết định điều chuyển ảnh hưởng đến công việc, đời sống của tôi nhưng họ không cho tôi biết lý do, cũng không thương thảo trước. Khi tôi hỏi thì được trả lời khi nào cơ quan chức năng đòi thì chi nhánh sẽ công bố, còn phần tôi thì không có quyền được biết. Tôi không đồng ý việc điều chuyển công tác trái với chuyên môn nghiệp vụ nên gửi đơn khiếu nại. Tuy nhiên, khiếu nại của tôi chẳng những không được trả lời thỏa đáng mà tôi còn bị cho ra hội trường ngồi không gần 2 tháng" - bà Nhung ấm ức.
Sai chồng thêm sai
Sau khi Báo Người Lao Động có buổi làm việc về đơn khiếu nại của bà Nhung với lãnh đạo chi nhánh, ngày 9-2, sau gần 2 tháng bị đuổi ra khỏi phòng, bà Nhung lại nhận tiếp 2 quyết định khác. Theo đó, Quyết định 243/QĐ-CN3 "về việc giải quyết khiếu nại của bà Nhung" thu hồi quyết định điều động bà làm bảo vệ đã ban hành ngày 18-12-2017. Tiếp theo là Quyết định 244/QĐ-CN3 "về việc chấm dứt HĐLĐ với bà Nhung" với tư cách là "nhân viên kiểm ngân" (thời điểm trước khi bị điều chuyển làm bảo vệ).
Cầm 2 quyết định trên tay, bà Nhung ngỡ ngàng: "Quyết định "giải quyết khiếu nại" nhưng không trả lời bất cứ khiếu nại nào của tôi; đã vậy ngay trong ngày 9-2 lại ra quyết định chấm dứt HĐLĐ với tôi kể từ ngày 21-2 (sau kỳ nghỉ Tết). Tôi thật không hiểu một người có trình độ như giám đốc chi nhánh lại có thể giẫm đạp lên pháp luật như vậy!".
Trước đó, khi làm việc với Báo Người Lao Động, lãnh đạo Chi nhánh cho rằng việc điều động với bà Nhung sang nhận công việc bảo vệ là do bà không hoàn thành nhiệm vụ, không hòa đồng, nguyên tắc cứng nhắc và cẩn thận quá mức. Việc chi nhánh bố trí bà Nhung làm bảo vệ là đã "quá tình cảm với bà".
Bà Nhung giãi bày: "Là nhân viên kế toán, nếu phát hiện hóa đơn, chứng từ ghi không đúng, không rõ thì tôi đề nghị làm lại cho đúng. Đây là quy định của ngân hàng, tại sao lại bắt lỗi tôi cứng nhắc? Khi tôi làm đúng thì họ không vừa lòng và kiếm chuyện đẩy tôi đi. Bằng chứng là giám đốc chi nhánh đã tùy tiện điều động tôi về một phòng ban đã có kế hoạch giải thể, sau đó lại lấy lý do không có việc làm để bố trí cho tôi, cuối cùng là cho tôi nghỉ việc bằng quyết định chấm dứt HĐLĐ không có bất cứ căn cứ hợp pháp nào. Tôi không biết lãnh đạo Ngân hàng có biết việc làm trái pháp luật của giám đốc Chi nhánh hay không?".
Ông TRẦN VĂN TRIỀU, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM:
Giám đốc ra quyết định sai
Bà Nhung làm việc với HĐLĐ không xác định thời hạn. Hai bên đã xác lập quan hệ lao động được điều chỉnh bởi Bộ Luật Lao động chứ không phải Luật Cán bộ Công chức. Vì vậy, việc giám đốc chi nhánh ban hành quyết định "điều động cán bộ" đối với bà Nhung là sai và sau đó ra quyết định chấm dứt HĐLĐ cũng không đúng nội dung, trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)