15 giờ chiều 11-2 (30 Tết), chương trình đầu tiên nằm trong chuỗi chương trình "Tết không xa nhà" được tổ chức tại Đài truyền hình Việt Nam và Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương. Trong chương trình, ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - đã giao lưu trực tuyến, động viên công nhân lao động (CNLĐ) tại điểm cầu ở Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương)
Chiều 30 Tết, ông Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam giao lưu trực tuyến với CNLĐ Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Mạnh Kiên
Giây phút đoàn tụ trực tuyến gây xúc động
Tại chương trình "Tết không xa nhà”, một nam công nhân đang phải cách ly tại Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, đã rơi nước mắt khi được nhìn thấy hình ảnh của vợ và đứa con trai 9 tuổi của mình. Đó là anh Nguyễn Xuân Hùng, nhân viên Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại.
Để tạo bất ngờ cho nhân vật giao lưu, ê-kíp của VTV3 đã kết nối để anh Hùng gặp trực tuyến với vợ là chị Hoàng Quỳnh Giang - hiện đang cách ly tại nhà ở TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Nhìn vợ, con qua màn hình khổ lớn, anh Hùng rất nghẹn ngào, xúc động, bởi từ 1-2 đến nay, anh Hùng chưa gặp trực tiếp vợ con thân thương do dịch bệnh Covid-19 hoành hành tại địa phương.
Do xúc động, anh Hùng chỉ dặn dò được vợ con giữ gìn sức khoẻ, thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19 do Bộ Y tế khuyến nghị. Anh Hùng mong vợ, con, bố mẹ đón Tết bình an.
Anh Nguyễn Xuân Hùng đã rơi nước mắt khi được nhìn thấy những hình ảnh thân thương của vợ con - Ảnh: Diệu Thuý
"Hết dịch, bố sẽ về với con" - là lời của anh Hùng gửi tới đứa con trai 9 tuổi - cháu Nguyễn Xuân Bách. Nghe được tiếng bố, Bách đã khóc. Nghe những lời căn dặn của chồng, chị Hoàng Quỳnh Giang cũng đã khóc.
Nhưng với nghị lực của người phụ nữ chịu thương, chịu khó, chị Giang đã động viên lại anh Hùng: "Anh giữ gìn sức khoẻ, yên tâm công tác! Ở nhà đã có em lo! Chúng ta "cách ly nhưng không cách lòng" anh nhé"!…
Công đoàn đồng hành với CNLĐ, doanh nghiệp chống dịch Covid-19
Tại chương trình, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề trên toàn thế giới và nước ta cũng không ngoại lệ. Trong đó, người lao động (NLĐ) là đối tượng chịu nhiều tác động nhất. Trong 2 đợt bùng phát dịch năm 2020, ước tính cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập, gần 40,0% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% bị mất việc làm.
Trước những thách thức, khó khăn từ dịch Covid-19 đè nặng lên vai NLĐ, tổ chức công đoàn đã phát huy vai trò của mình trong công tác tham gia phòng, chống dịch bệnh; đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đã triển khai gói hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống với tổng số tiền hơn 600 tỉ đồng từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn vận động, xã hội hóa; tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch; đồng thời, chỉ đạo công đoàn các cấp tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn, người sử dụng lao động ứng phó với dịch bệnh, đặt sức khoẻ, tính mạng của NLĐ lên hàng đầu.
Công đoàn cấp trên cơ sở tích cực, sáng tạo các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ. Những cây ATM gạo nghĩa tình được triển khai trên khắp mọi miền đất nước; những siêu thị 0 đồng được tổ chức, những bữa cơm 0 đồng được trao tận tay NLĐ đúng lúc và kịp thời đã góp phần hỗ trợ đoàn viên và NLĐ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch.
Đợt bùng phát dịch thứ 3 cuối tháng 1-2021 đã khiến cho nhiều công nhân, nhất là công nhân tại Hải Dương, bị nhiễm bệnh. Ngay sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị 05 về phòng, chống dịch, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Công văn chỉ đạo các cấp Công đoàn tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan chức năng.
Đặc biệt, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo LĐLĐ tỉnh Hải Dương thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh trong CNLĐ; chăm lo, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần kịp thời cho NLĐ bị nhiễm bệnh, NLĐ phải cách ly tập trung.
Chiều 30 Tết (ngày 11-2), CNLĐ Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương giao lưu trực tuyến với Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang và lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Ảnh: Diệu Thuý
Ngoài ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành và đang chỉ đạo các cấp Công đoàn triển khai Quyết định 1921/QĐ-TLĐ tiếp tục chăm lo cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng của Covid-19 và thiên tai, bão lũ trong dịp Tết Tân Sửu mức 1-2 triệu đồng/người với tổng số tiền dự kiến khoảng 500 tỉ đồng.
Cùng với đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam kêu gọi đoàn viên, NLĐ trên khắp mọi miền Tổ quốc cân nhắc lựa chọn ở lại đón Tết tại địa phương nơi làm việc, không về quê hoặc di chuyển để góp phần phòng, chống dịch bệnh. Hưởng ứng lời kêu gọi của Công đoàn, có gần 1,5 triệu đoàn viên, NLĐ không về quê đón Tết.
Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo các cấp Công đoàn chuyển hướng các hoạt động chăm lo Tết Tân Sửu cho đoàn viên, NLĐ phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Cụ thể như hủy các hoạt động bề nổi, tập trung đông người trong các chương trình Tết sum vầy, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên đoàn viên, NLĐ tại doanh nghiệp và khu nhà trọ; hạn chế, hủy các chuyến xe Xuân nghĩa tình đưa NLĐ về quê, dùng kinh phí đó để tổ chức Tết cho những NLĐ ở lại; tổ chức nhiều hoạt động phong phú như tặng vé du xuân, đi chợ hoa tết, tặng cành đào, tặng bánh chưng, tặng những giỏ quà tết, tổ chức đón Tết tại khu nhà trọ… để những NLĐ ở lại địa phương nơi làm việc vẫn được đón "Tết không xa nhà" đầm ấm, sum vầy.
Tết Tân Sửu đang đến rất gần, thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang đã gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến gia đình, người thân và những NLĐ đã tạm gác niềm vui sum họp khi Tết đến xuân về để hưởng ứng và góp sức cùng cả nước thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa ổn định sản xuất góp phần phát triển kinh tế đất nước, bảo đảm việc làm, thu nhập cho NLĐ.
Với truyền thống lịch sử vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang tin tưởng rằng ở bất kỳ hoàn cảnh nào, đội ngũ đoàn viên, công nhân lao động sẽ luôn đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao nhất để vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Và, với phương châm "Mọi người lao động đều có Tết - Vui Tết", Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tin tưởng rằng các cấp công đoàn ở khắp mọi miền của Tổ quốc đã, đang và sẽ chăm lo chu đáo để các anh chị em đón một cái "Tết bình an - không xa nhà"!
Bình luận (0)