Ngày 6-12, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 24 (khóa XX) đã diễn ra dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Nhiều mô hình sáng tạo
Báo cáo kết quả hoạt động Công đoàn năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (từ ngày 27-4) với biến chủng Delta đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất - kinh doanh, sinh kế, đời sống của nhân dân, tác động trực tiếp đến đời sống, việc làm của CNVC-LĐ. Đã có hơn 2 triệu công nhân - lao động (CN-LĐ) phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm do doanh nghiệp (DN) tạm dừng hoạt động.
Trong bối cảnh ấy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành và triển khai các gói hỗ trợ đoàn viên, người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch, CN-LĐ tại các DN đang thực hiện "ba tại chỗ", "một cung đường hai điểm đến"; tặng sổ tiết kiệm Công đoàn cho con đoàn viên bị mồ côi do Covid-19. Cùng với đó, ban hành văn bản về việc lùi thời điểm đóng kinh phí Công đoàn đối với các DN gặp khó khăn, miễn đóng đoàn phí Công đoàn đối với đoàn viên gặp khó khăn do dịch Covid-19; vận động CNVC-LĐ đóng góp ủng hộ chương trình "Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch Covid-19" qua Ủy ban MTTQ Việt Nam; phát động chương trình "Vắc-xin cho CN"; vận động đóng góp ủng hộ cho Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19, ra lời kêu gọi đóng góp ủng hộ CN-LĐ các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh...
Đại diện LĐLĐ TP Thủ Đức, TP HCM trao túi an sinh Công đoàn cho công nhân khó khăn. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Ông Trần Thanh Hải đánh giá trong năm 2021, tổ chức Công đoàn có nhiều mô hình sáng tạo trong công tác phòng chống dịch và hỗ trợ đoàn viên, NLĐ, phát huy hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền, NLĐ, người sử dụng lao động đánh giá cao. Điển hình như các cấp Công đoàn TP HCM tổ chức 27 phiên "Siêu thị 0 đồng" với 25.689 người tham gia; đi chợ giúp 7.687 NLĐ; vận động 14.994 chủ nhà trọ hỗ trợ miễn, giảm hơn 42 tỉ đồng tiền thuê phòng cho hơn 332.000 NLĐ; chăm lo sữa, nhu yếu phẩm, hỗ trợ kinh phí cho 6.929 em là con của đoàn viên Công đoàn với tổng số tiền hơn 1,2 tỉ đồng; kết nối, hỗ trợ các điểm phong tỏa gần 487 tấn rau củ quả các loại.
Đáp ứng mong mỏi của đoàn viên
Theo ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, tính đến ngày 2-12, các cấp Công đoàn đã chi và đang triển khai thủ tục chi hỗ trợ đoàn viên, NLĐ và các lực lượng tuyến đầu chống dịch với tổng số tiền gần 6.000 tỉ đồng. Trong đó chi trực tiếp hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hơn 1.803 tỉ đồng; chi ủng hộ và vận động ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19, chuyển về Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hơn 464 tỉ đồng; chi ủng hộ và vận động ủng hộ vào Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 gần 338 tỉ đồng; chi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 từ nguồn tài chính Công đoàn hơn 254 tỉ đồng; chi hỗ trợ đoàn viên, NLĐ tham gia sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến" ước gần 1.000 tỉ đồng; chi trực tiếp tại các Công đoàn cơ sở theo các mức ban hành chung đối với NLĐ khó khăn hơn 1.396 tỉ đồng; chi gói hỗ trợ "Túi an sinh Công đoàn" số tiền gần 400 tỉ đồng...
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Tây Ninh, cho rằng trong tình hình dịch bệnh phức tạp, việc Tổng LĐLĐ Việt Nam có nhiều chính sách đáp ứng niềm mong mỏi của đoàn viên, NLĐ. Còn bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, đánh giá cao tính kịp thời, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ đoàn viên, NLĐ do Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành. Các chính sách hỗ trợ được đưa ra, chỉ trong vòng 1 tuần, gói hỗ trợ đã đến tay đoàn viên, NLĐ.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhìn nhận 2021 là năm nhiều khó khăn, đoàn viên, CN-LĐ đã chia sẻ với DN, đồng hành với Chính phủ; cán bộ Công đoàn ngày đêm trăn trở, chia sẻ với anh em CN-LĐ. Trong khó khăn, hình ảnh, vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn được thể hiện một cách nổi bật. Các gói hỗ trợ do tổ chức Công đoàn triển khai đã phủ kín đối tượng, nhanh chóng đi vào đời sống.
"Bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực và kịp thời, các cấp Công đoàn đã tích cực, chủ động, thể hiện nghiêm túc trách nhiệm tham gia cùng hệ thống chính trị, người sử dụng lao động trong phòng chống dịch Covid -19, góp phần bảo vệ sức khỏe, an toàn cho NLĐ và an toàn cơ quan, nhà máy, trường học; chăm lo lợi ích, bảo vệ quyền lợi của NLĐ; khẳng định vai trò và nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn trong tham gia cùng cả nước giải quyết khủng hoảng" - ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định.
Rà soát các thỏa thuận hợp tác
Hướng đến mục tiêu chăm lo tốt hơn đời sống đoàn viên - lao động, trong năm 2022, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tập trung rà soát, đánh giá kết quả thỏa thuận hợp tác đã ký kết để có điều chỉnh, thay đổi phù hợp. Đồng thời nhân rộng các mô hình thiết thực chăm lo lợi ích vật chất, tinh thần cho đoàn viên - lao động, đặc biệt là chăm lo cho đoàn viên - lao động ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, các KCX-KCN. Trước mắt, tổ chức tốt kế hoạch chăm lo cho đoàn viên và NLĐ trong dịp Tết Nguyên đán 2022 với mục tiêu không để đoàn viên, NLĐ nào không có Tết. Dự kiến có khoảng 8 triệu đoàn viên - lao động được chăm lo trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, với kinh phí khoảng 2.400 tỉ đồng.
Bình luận (0)