Nhiều đại biểu dự đối thoại cho biết khối doanh nghiệp (DN) dệt may, da giày đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân công trầm trọng khi người lao động (NLĐ) có xu hướng về quê tránh dịch. Hiện nay, ngành dệt may, da giày sử dụng nhiều lao động nhất Việt Nam, với khoảng 2 triệu người, chiếm 25% trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Khối da giày sử dụng khoảng 1,4 triệu lao động, chiếm 18,2%. Khảo sát cho thấy 60% NLĐ di cư muốn về quê hoặc đã về quê, chủ yếu trong thời gian ngắn để hồi phục sức khỏe và cuộc sống cho bản thân, con cái. Trong đó, 89% người di cư và 96% lao động địa phương muốn tiếp tục làm ở nhà máy hiện tại. Song, nếu không có biện pháp hỗ trợ, gắn bó tích cực, các DN sẽ phải mất từ 3 đến 5 tháng để NLĐ trở lại nhà máy.
Ngành dệt may, da giày đang đối mặt với tình trạng thiếu nhân công trầm trọng khi người lao động có xu hướng về quê tránh dịch. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Liên quan đến NLĐ, nhóm nghiên cứu tập trung vào 15 tỉnh, thành nơi ngành dệt may, da giày chiếm tới 90% sản lượng tại Việt Nam để khảo sát. Theo đó, trong số 300 NLĐ được hỏi, có 60% cho biết đang nghỉ việc, chỉ 24% đang sản xuất bình thường. Trong các DN, gần 60% NLĐ bị giảm thu nhập do bị giãn ca hoặc làm việc không liên tục. Trái lại, nhóm "3 tại chỗ" ghi nhận mức thu nhập tăng từ 10 đến 30%. Thu nhập phát sinh của nhóm này chủ yếu nhờ quá trình tăng ca, thường trên đối tượng làm 60 giờ/tuần trở lên, bao gồm cả chủ nhật.
Với nhóm NLĐ ngừng việc, 52% người cho biết nguyên do vì DN ngừng hoạt động, 17% người chấp nhận ngừng vì không thể hoặc không muốn tham gia "3 tại chỗ". Song, 62% NLĐ ngừng việc hiện không có bất kỳ nguồn thu nhập nào. Nguồn hỗ trợ lớn nhất đối với nhóm NLĐ ngừng việc vẫn là DN. 27,1% người cho biết họ nhận được trợ cấp ngừng việc từ Nghị quyết 68. Tuy nhiên, rất ít NLĐ nhận được trợ cấp thất nghiệp, phần lớn vì DN đã ngừng hoạt động, địa phương yêu cầu nhiều thủ tục, cứng nhắc hoặc đang ở trong vùng đỏ, bị cách ly.
Bình luận (0)